Là loại động vật thân mềm, họ hai mảnh vỏ, nghêu thường sống, sinh trưởng tốt ở vùng ven biển có độ mặn cao, nhiều đất cát, sỏi. Được thiên nhiên ưu đãi, huyện Hải Hà có nhiều vùng biển với diện tích bãi triều rộng, với đặc trưng đất cát pha bùn, phù hợp để con nghêu sinh trưởng và phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để nhiều xã trên địa bàn Hải Hà nuôi trồng, tạo ra các “vựa” nghêu của huyện.
Nghêu Hải Hà có thân hình tròn, màu trắng hoặc vàng nhạt. Thịt nghêu có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon được nhiều người ưa thích. Đã có giá trị kinh tế cao, nghêu lại dễ nuôi, không tốn nhiều công chăm sóc. Nghêu sinh trưởng theo mùa, đặc biệt là vào mùa mưa, chất hữu cơ từ các cửa sông đổ ra nhiều tạo nguồn thức ăn phong phú giúp nghêu mau lớn, phát triển nhanh.
Do vậy từ lâu ở đây đã có nghề truyền thống nuôi nghêu, đem lại thu nhập cao cho các hộ dân. Diện tích nuôi nghêu trên địa bàn huyện Hải Hà tăng nhanh theo thời gian. Tới nay toàn huyện đã có hơn 400ha diện tích nuôi nghêu.
Nghêu thương phẩm được nuôi quanh năm, tuy nhiên tập trung nhất vẫn là vào tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Thời gian nuôi dài hay ngắn cũng phụ thuộc nhiều vào cỡ của giống, mật độ thả và điều kiện bãi nuôi. Thông thường nghêu nuôi được thu hoạch sau 8 - 10 tháng. Hàng năm sản lượng nghêu thương phẩm trên địa bàn huyện Hải Hà đạt trung bình khoảng 18.000 tấn, giá trung bình từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, so với các loài thủy sản là động vật thân mềm hai mảnh vỏ thì nghêu là loài có giá trị kinh tế cao hơn cả.
Ông Chu Quốc Dân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hà cho biết: Cuối năm 2014, huyện Hải Hà đã tiến hành đăng ký, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho nghêu thương phẩm. Đồng thời, huyện Hải Hà cũng đã quy hoạch vùng phát triển nuôi nghêu, theo mô hình kinh tế tập thể như: Tổ hợp tác, hợp tác xã... đồng thời thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm này.
Hiện sản phẩm nghêu thương phẩm đang được các hợp tác xã và nhiều hộ dân triển khai nuôi nhiều tại khu vực bãi triều của xã Phú Hải, Quảng Minh. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nghêu còn gặp nhiều khó khăn. Trước năm 2010, vào mùa thu hoạch, nghêu thường được thương lái thu mua với số lượng lớn xuất khẩu, có khi từ 2 - 3 tấn/ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng thu mua giảm mạnh, khiến việc tiêu thụ sản phẩm này khá khó khăn.
Bên cạnh đó, huyện Hải Hà cũng đã tạo cơ chế, khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm này; tuy nhiên chưa đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ đầu năm 2015 có nhiều doanh nghiệp ở Vân Đồn, Hà Nội... vào khảo sát nghiên cứu đầu tư dây chuyền chế biến nghêu hun khói, chế biến nghêu đóng gói thành phẩm, vỏ nghêu nghiền làm thức ăn gia súc... Thế nhưng do giá thành cũng như “đầu ra” cho sản phẩm hơi cao nên cho đến nay các dự án nghiên cứu đều chưa đạt kết quả.
Để nghề nuôi nghêu phát triển, phát huy được thế mạnh địa phương, thiết nghĩ Hải Hà rất cần có sự chung sức, sự vào cuộc tạo điều kiện thuận lợi, tạo cơ chế mới để gỡ khó về đầu ra cho sản phẩm này…