Dự án “Giữ vững chuẩn mực trong thương mại thủy sản nuôi trồng” (SEAT), do Liên minh Châu Âu tài trợ, đã nghiên cứu các quy trình sản xuất, những cản trở và quan niệm về tính bền vững của nhiều thành phần tham gia trong các chuỗi giá trị NTTS chủ chốt ở châu Á và châu Âu. Cá tra - một mặt hàng chính trên thị trường châu Âu - là đối tượng quan trọng của dự án.
Dự án tiếp cận theo hai bước. Trước hết, xây dựng những dẫn chứng về tính bền vững của các quy trình nuôi hiện tại và các xu hướng hoạt động trong phạm vi chuỗi giá trị. Trong bước hai, các nhà khoa học tham gia vào các công trình phân tích chi tiết về việc ứng dụng những kiến thức thu được để tạo ra những cải thiện về tính bền vững trong sản xuất cá tra.
Để nhìn nhận đúng tính bền vững và khả năng tạo nên sự thay đổi, dự án đã tập hợp chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như đánh giá vòng đời (LCA), chi phí môi trường của một vòng đời (ELCC), xây dựng mô hình môi trường, phân tích chuỗi giá trị, đánh giá rủi ro, phân tích về kinh tế-xã hội, an toàn thực phẩm, chuẩn mực đạo đức, sử dụng thông tin và chính sách. Nhóm đối tác có 13 người, trong đó có một số chuyên gia khai thác và NTTS, thực hiện việc nghiên cứu xây dựng các báo cáo, ấn phẩm khoa học và các mô hình để công chúng áp dụng.
Toàn bộ nghiên cứu tập trung vào việc hình thành một bộ chỉ số thức ăn thủy sản phù hợp (EAFI) dựa trên các chỉ tiêu về tính bền vững để cung cấp thông tin cho các chương trình cấp chứng nhận, cho các nhà xây dựng chính sách và cho ngành cá tra. Bộ chỉ số này đã được đưa ra tham vấn tại Hội nghị thượng đỉnh ngành thủy sản, tổ chức ở ở Hồng Kông vào tháng 9/2012.
Đấu tranh với những thông tin tiêu cực
Hoạt động này không nằm trong nội dung chính ban đầu của dự án, nhưng để đảm bảo nghiên cứu thành công, dự án đã có thêm trách nhiệm đấu tranh với làn sóng thông tin bôi nhọ ngành cá tra ở châu Âu.
Các công trình nghiên cứu của SEAT đã cung cấp những bằng chứng có cơ sở khoa học để phủ nhận nhiều luận điểm chỉ trích và phê phán bóp méo sự thật một cách tệ hại do các cơ quan truyền thông đại chúng, các tổ chức phi chính phủ và các chính khách châu Âu đưa ra. Dự án đã tích cực lôi cuốn được những nhân vật có ảnh hưởng lớn như nghị sĩ Quốc hội Châu Âu Struan Stevenson và tận dụng sự thay đổi chính kiến của ông, từ chỗ có những công bố và chỉ trích ngành sản xuất cá tra như là một lĩnh vực “bẩn thỉu, “chứa chất độc hại” và khai thác “lao động nô lệ”, đến chỗ thay đổi quan điểm của mình trở thành ca ngợi ngành cá tra vì đã “đáp ứng được những tiêu chuẩn ngang tầm thế giới về vệ sinh và phúc lợi, và vì ngành đã sản xuất ra một sản phẩm chất lượng trong những điều kiện hạng nhất.”
Những quan tâm chính trong chuỗi giá trị sản xuất cá tra của Việt Nam
Tiếp theo các công trình nghiên cứu ban đầu thực hiện với hàng trăm người nuôi cá tra và phỏng vấn nhiều nhà sản xuất thức ăn và cung cấp hóa chất, các nhà máy chế biến, và các nhà hoạch định chính sách, dự án đã tổ chức hội thảo “Hiện trạng của hệ thống”, tập hợp được tất cả các nhóm thành phần trong chuỗi sản phẩm tham gia. Đây là cơ hội để chia sẻ và thẩm định những kết quả công tác của nhóm đối tác tính đến giữa năm 2012 và là diễn đàn để thảo luận và tìm ra những trở ngại chính, cũng như những quan tâm về tính bền vững trong chuỗi giá trị sản phẩm cá tra của Việt Nam.
Những nghiên cứu mở rộng phối hợp với các cuộc phỏng vấn thu thập những thông tin quan trọng trong những hoạt động thường ngày của chuỗi giá trị cho phép xác định được những trở ngại chủ yếu đối với tính bền vững.
Những mối quan tâm nổi bật nhất về tính bền vững của chuỗi giá trị sản phẩm cá tra của Việt Nam là giá vật tư đầu vào (nhất là thức ăn), dịch bệnh, chất lượng nước và sự mất ổn định của cả nguồn cung cấp cá nguyên liệu và giá của chúng. Những đối tượng nằm giữa hai đầu của chuỗi giá trị ở Việt Nam và châu Âu đều có chung những mối lo ngại này và tỏ ra rất quan tâm đến khả năng truy xuất nguồn gốc của các nguồn cung cấp thức ăn và việc kiểm soát bùn đáy đầm nuôi. Đây cũng là những quan ngại chính của các nhà NK về tính bền vững.
Thu hoạch cá tra ở An Giang
Nghiên cứu hành động
Dự án SEAT đã áp dụng phương pháp nghiên cứu hành động để xây dựng những cải thiện về tính bền vững và đặt nền móng cho việc duy trì những cải thiện này sau khi dự án kết thúc. “Nghiên cứu hành động” đòi hỏi các thành phần tham gia và các nhà nghiên cứu phải cùng rút ra những kiến thức thông qua quá trình hợp tác và trao đổi thông tin, trong đó ý kiến đóng góp của tất các bên tham gia đều được nghiêm túc ghi nhận. Các nhà khởi xướng nghiên cứu đã công khai trình bày những ý kiến khác nhau của họ trước các nhóm đối tượng để trao đổi và cùng rút ra những thay đổi có tính bền vững chắc chắn hơn.
Trọng tâm của phương pháp “Nghiên cứu hành động” là đưa ra các giả định, lên kế hoạch thực hiện, phân tích kết quả trước khi đưa ra những kế hoạch mới và thực hiện những biện pháp mới. Cách tiếp cận này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng khoa học vào các trường hợp thực tế và kết nối những cải thiện này vào những chuỗi giá trị hiện có.
Sản xuất cá tra
Nghiên cứu cho thấy ngành cá tra tiêu tốn nhiều thời gian và năng lượng cho việc sục khí ở ao nuôi để khắc phục tình trạng thiếu dưỡng khí ở đây. Nhưng chính những hoạt động này lại ảnh hưởng tiêu cực đến thời gian và lượng thức ăn cần thiết để cá tăng trưởng đến kích cỡ tiêu thụ. SEAT đã mời các kỹ sư Thái Lan chuyên về các hệ thống trao đổi khí đến Việt Nam để làm việc với những người nuôi cá ở ĐBSCL, các nhà khoa học từ Đại học Cần Thơ và Đại học Stirling. Mục tiêu là phát triển một hệ thống sục khí trong phạm vi 2 mét chiều sâu tính từ mặt nước, trong khi vẫn duy trì khả năng lắng đọng chất đáy trong đầm nuôi có độ sâu 4-5 mét, tạo ra sự cải thiện về hệ số thức ăn và chất lượng nước.
SEAT đang phân tích chi tiết bùn đáy ao nuôi cá tra để xem xét việc sử dụng chúng làm phân bón nông nghiệp có mang tính bền vững hay không, kể cả độ an toàn, nguy cơ gây ô nhiễm và triển vọng về cân đối dinh dưỡng. Nội dung nghiên cứu hành động này vượt quá phạm vi nghiên cứu kỹ thuật của Dự án, do phải tập hợp các nhà xử lý bùn đáy ao, các nhà sản xuất nông nghiệp và các chuyên gia kỹ thuật khác để kết hợp việc sử dụng nguồn lợi có giá trị này vào các chuỗi giá trị sản phẩm. Đây sẽ là bước đi quan trọng để đạt được tiêu chuẩn của các tổ chức chứng nhận quốc tế, nâng cao tính bền vững và uy tín của sản phẩm, thông qua việc cải thiện chất lượng nước và các chất thải từ các cơ sở nuôi cá tra đồng thời nâng cao tính bền vững về kinh tế của các cơ sở nuôi.
Nghiên cứu hành động cũng giúp SEAT phương pháp phân loại thông tin của dự án để cung cấp cho các hoạt động trong chuỗi giá trị cá tra. Trên trang mạng của dự án đưa ra những áp phích mô tả chuỗi giá trị cá tra. Nội dung trên đó là kết quả của những đợt nghiên cứu ban đầu của SEAT theo phản hồi về những thông tin mà các thành phần tham gia đang cần.
Phụ phẩm
Phụ phẩm chế biến cá tra thường chiếm trên 50% khối lượng sản xuất, nhưng người ta thường không thấy rõ phần đóng góp tạo thêm giá trị của việc chế biến các phụ phẩm này. Nhất là ở châu Âu, người ta thường coi đây là thành phần phế thải và luôn gặp khó khăn khi thải bỏ. Tuy nhiên, ở châu Á thì không như vậy. Phụ phẩm cá tra chiếm 65% tổng trọng lượng con cá và có giá trị rất cao. Hiện nay, phần lớn phụ phẩm này được dùng làm bột cá và chiết dầu cá để làm thức ăn chăn nuôi. Theo báo cáo, cách xử lý này cũng giống như đối với các nguồn cá tạp bị đánh bắt lẫn trong các nghề khai thác truyền thống.
Thức ăn cá tra thường chỉ chứa 2-4% bột cá, vì vậy có thể coi cá tra như một loài không tiêu thụ bột cá mà lại sản xuất thành bột cá có hiệu quả và tiết kiệm sử dụng cá tạp. Dự án SEAT đang xem xét để đánh giá tính hiệu quả của nguồn nguyên liệu này và coi đây là một phần của công trình nghiên cứu “Đánh giá vòng đời”. Công trình này sẽ đưa ra bức tranh tổng thể về những mối quan hệ qua lại trong các ngành sản xuất thủy sản ở Việt Nam. Công trình Nghiên cứu hành động của dự án gắn với các đối tác hoạt động trong ngành, trong đó phụ phẩm có thể có đóng góp nhiều hơn về giá trị cho thức ăn chăn nuôi các loài gia súc khác.
Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam thường tìm kiếm các thành phần nguyên liệu có chất lượng tốt để nâng cao công thức thức ăn của họ. Dự án SEAT đang tìm cách cải tiến thức ăn nuôi cá tra bằng cách sử dụng phụ phẩm từ ngành chế biến cá hồi. Công ty TNHH Rossyew ở Xcốtlen đang sản xuất một loại protein có hàm lượng dinh dưỡng cao thủy phân từ nội tạng cá hồi. Sản phẩm này đã được dùng làm chất dẫn dụ trong thức ăn nuôi tôm ở Thái Lan và thu được kết quả rất tốt. Chỉ cần bổ sung lượng rất nhỏ mà hệ số thức ăn tỷ lệ sống của tôm đã cải thiện lên rất nhiều.
Vì vậy, dự án SEAT đang thí nghiệm về dinh dưỡng với các mức hàm lượng protein cá hồi khác nhau trong chế độ ăn của cá hương cá tra. Tỷ lệ chết của tra khá cao trong giai đoạn cá hương, nhưng hiện tượng này có thể hạn chế được một phần nhờ chất lượng của thức ăn. Nhờ cải thiện vị ngon và mức độ dễ tiêu hóa của thức ăn sẽ tăng cường được khả năng hoạt động của cá hương. Việc bổ sung sản phẩm cá hồi không chỉ cải thiện hiệu quả của chuỗi giá trị sản xuất cá hồi mà còn tăng thêm hiệu quả của các chuỗi giá trị NTTS khác ở châu Á.