Sá sùng hay còn gọi là giun biển, sống ở những bãi cát ven biển nơi thuỷ triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Sá sùng thương phẩm khi còn tươi dài khoảng 5-10 cm. Mùa khai thác từ tháng 3-9, ngư dân thường đào sá sùng khi nước biển xuống, đem về chế biến bằng cách phơi khô.
Đây là loài hải sản có giá trị kinh tế rất cao, giá bán sá sùng tươi trên thị trường hiện nay khoảng 180.000-250.000 đ/kg. Chính vì vậy người nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển như Khánh Hoà, Hải Phòng, Quảng Ninh… đang có xu hướng mở rộng nuôi đối tượng này. Sá sùng có giá trị dinh dưỡng cao, trong thịt có chứa 17 loại chất khoáng khác nhau và 8 amino axit không thể thay thế nên nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn. Từ nhu cầu thực tế, nhóm nghiên cứu của Viện III đã xây dựng thành công quy trình kỹ thuật SX giống sá sùng nhân tạo.
Theo TS Võ Thế Dũng, Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm (Viện III), người đang thực hiện pha 2 xây dựng quy trình nuôi thương phẩm sá sùng, cho biết: Chúng tôi đã đưa ra quy trình SX giống sá sùng nhân tạo phù hợp với điều kiện ở Khánh Hòa và sắp tới sẽ nhân rộng đến các tỉnh lân cận để đáp ứng nhu cầu. Viện III đã nghiên cứu thành công về đặc điểm sinh học, sinh sản và cho đẻ sá sùng, ấp nở trứng, ương nuôi ấu trùng.
Về quy trình SX, nguồn giống bố mẹ được tuyển chọn từ các ao nuôi sá sùng thương phẩm của người dân ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), sau đó kích thích đẻ trứng bằng nhiều phương pháp, trong đó có 2 phương pháp cho kết quả tốt là sốc nhiệt và tạo dòng chảy. Kết quả sau 2 năm nghiên cứu, Viện III đã SX thành công trên 20.000 con giống, có kích cỡ 2-3 cm/con và đang tiếp tục tập trung nghiên cứu nâng cao kỹ thuật ương ấu trùng; đặc biệt là nâng cao tỷ lệ sống từ giai đoạn trôi nổi sang giai đoạn đáy và những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, quá trình sinh trưởng của ấu trùng...
Đề tài đang thực hiện pha 2, với mục tiêu xây dựng quy trình nuôi thương phẩm sá sùng và trong thời gian tới Viện III sẽ chuyển giao công nghệ cho người dân.
Mặt khác, trong quá trình nghiên cứu, nhóm cũng đã thử nghiệm nuôi thương phẩm tại huyện Vạn Ninh và huyện Cam Lâm bằng giống sá sùng cỡ 1,5-2,5 cm/con, kết quả ban đầu cho thấy tỷ lệ sống của sá sùng đạt khá cao. Với giá thương phẩm từ 180.000-250.000 đ/kg (khoảng 40-400 con sá sùng), nguồn thức ăn để nuôi lại đơn giản (mảnh vụn hữu cơ, sinh vật phù du lơ lửng trong nước), do đó đây sẽ là đối tượng nuôi hứa hẹn giá trị kinh tế, hiệu quả cao.
Cũng theo TS Dũng, sá sùng tự nhiên ở các vùng ven biển đang dần cạn kiệt bởi khai thác quá mức... Hơn nữa người dân thường khai thác sá sùng thương phẩm vào mùa vụ sinh sản chính từ tháng 3 đến tháng 9, nên nguồn giống bị suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên với việc nghiên cứu kỹ thuật SX giống sá sùng nhân tạo thành công sẽ góp phần giảm bớt áp lực khai thác tự nhiên, bảo vệ nguồn giống.
Mặc khác, sá sùng là đối tượng sống đáy, sinh dưỡng bằng cách hút bùn bã hữu cơ từ trong bùn cát, vì vậy có thể nuôi ghép với các đối tượng thủy sản khác nhau hoặc nuôi xen canh để giúp cải thiện môi trường ao nuôi. Trong quá trình nuôi cần chú ý, sau khi thu hoạch sá sùng, người nuôi nên tháo hết nước trong đìa nuôi, cày ải và phơi khô dưới nắng 5 - 7 ngày.
Trong quá trình phơi, trứng của sá sùng gặp nắng sẽ tự nở thành ấu trùng. Sau 7 ngày, tiến hành lấy nước vào đìa nuôi để ấu trùng phát triển thành con non, mức nước cao từ 0,8-1 m và duy trì cho đến lúc xuất bán. Sá sùng nuôi từ 5-7 tháng có thể xuất bán.