Với những giá trị dinh dưỡng lớn lao như vậy, tảo xoắn đã được chế biến thành thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm cho con người; làm thức ăn cho gia súc; làm phân bón trong nông nghiệp; làm thức ăn cho hầu hết các loại ấu trùng thuỷ sản trong công nghệ sinh sản nhân tạo giống thuỷ sản. Tại Việt Nam, Spirulina đã được đưa vào nuôi trồng đại trà tại Hà Nội, Bình Thuận, Bến Tre và TP Hồ Chí Minh, song lượng tảo sản xuất ra còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Do đó, hiện nay, tảo xoắn tiêu thụ trong nước vẫn được nhập khẩu chủ yếu từ Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, tảo Nhật và Mỹ có giá thành cao gấp 5 lần tảo Việt Nam (khoảng 5 triệu đồng/kg dưới dạng bột khô), còn tảo Trung Quốc có giá rẻ bằng nửa tảo Việt Nam nhưng lại không đảm bảo chất lượng. Mặc dù giá thành khá đắt nhưng nhiều người dân trên cả nước đang sử dụng các sản phẩm tảo xoắn nhập khẩu từ các nước trên dưới dạng bột, viên nang, viên nén và các chế phẩm chiết xuất từ tảo xoắn.
Tháng 1-2016, dự án sản xuất thử nghiệm tảo xoắn Spirulina của Trung tâm KHKT và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã chính thức được UBND tỉnh phê duyệt. Việc triển khai dự án trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ là hướng đi mới cho các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh và trở thành sản phẩm hàng hoá mang thương hiệu Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. |
Nhận thấy rõ những tác dụng to lớn của tảo xoắn cũng như nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng cao của người dân, năm 2014-2015, các kỹ sư của Trung tâm KHKT và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã bắt tay vào nghiên cứu dự án sản xuất tảo Spirulina. Theo Th.S Vũ Công Tâm, chủ nhiệm đề tài cho biết: Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy Quảng Ninh có lợi thế rất lớn trong việc sản xuất tảo xoắn khi có bờ biển dài lên tới 250km, ven biển lại có nguồn nước khoáng hoá cao, có nhiệt độ ấm và nhiều nắng hơn các cường quốc nuôi tảo lớn trên thế giới như: Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc. Trong khi đó, sản xuất tảo Spirulina không gây ô nhiễm môi trường, mà trái lại nước thải là nguồn tưới tiêu rất tốt cho nông nghiệp, phù hợp với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển của tỉnh. Hiện Trung tâm có 6 thạc sĩ, 26 kỹ sư chuyên ngành, có nhiều kinh nghiệm nuôi tảo để phục vụ công tác sản xuất giống hải sản. Đặc biệt, phòng thí nghiệm của Trung tâm được trang bị nhiều máy móc, thiết bị nghiên cứu hiện đại, đồng bộ. Do đó, chúng tôi tin rằng, dự án sản xuất và chế biến tảo Spirulina tại Quảng Ninh sẽ thành công, mở ra hướng đi mới cho người dân tại các địa phương ven biển”.
Theo nội dung dự án, từ tháng 1-2016 đến hết tháng 12-2017, Trung tâm sẽ phối hợp với Công ty TNHH An Phú Huy (xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) để nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn. Đây là nơi có nguồn nước phù hợp, không bị ô nhiễm với diện tích đất đai mặt nước nuôi trồng thuỷ sản rộng trên 100ha; giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào và sản phẩm sau thu hoạch. Đồng thời, Công ty cũng có đội ngũ cán bộ chuyên sâu về nuôi trồng thuỷ sản, có tiềm lực về tài chính, hạ tầng, đất đai và cơ sở vật chất kỹ thuật. Với tổng mức đầu tư trên 7,2 tỷ đồng, dự án sẽ được huy động từ nguồn vốn đầu tư phát triển KH&CN, vốn đối ứng của chủ đầu tư và doanh nghiệp. Dự án sẽ lựa chọn công nghệ nuôi tảo trong nhà kính, vừa đảm bảo chất lượng tảo không bị lây nhiễm từ bên ngoài, đồng thời đạt được năng suất, sản lượng cao hơn phương pháp nuôi trong hệ thống kín. Sản phẩm của dự án sẽ là tảo khô dạng bột để có thể cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược phẩm trong nước và người tiêu dùng. Theo tính toán, giá thành của sản phẩm tảo khô khoảng 745.000 đồng/kg, dự kiến giá bán là 1 triệu đồng/kg và giá bán khi ổn định sản xuất là 900.000 đồng/kg, thấp hơn sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước. Đặc biệt, so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu của Nhật, Mỹ thì giá bán thấp hơn 3-5 lần trong khi chất lượng tương đương. Như vậy, chỉ sau khoảng 5 năm, dự án sẽ thu hồi được toàn bộ vốn.
Được biết, ngay sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Trung tâm đã thành lập Ban quản lý dự án để thống nhất quản lý dự án; xây dựng nội dung, kế hoạch, phân công nhiệm vụ, quản lý, giám sát công tác triển khai thực hiện dự án; xây dựng và ký kết hợp đồng kinh tế giữa các bên. Sau khi dự án kết thúc, Trung tâm KHKT và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh sẽ chuyển giao công nghệ cho các đơn vị và người dân có khả năng và nhu cầu nuôi trồng và chế biến tảo xoắn.
Tin rằng, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của tỉnh, sự quyết tâm của các đơn vị, dự án sản xuất tảo xoắn tại Quảng Ninh sẽ sớm tạo ra sản phẩm hàng hoá mới có giá trị kinh tế và y dược cao. Qua đó, phát huy được tiềm năng lợi thế của tỉnh, phù hợp với chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, giữ vững an ninh quốc phòng.
Tháng 1-2016, dự án sản xuất thử nghiệm tảo xoắn Spirulina của Trung tâm KHKT và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã chính thức được UBND tỉnh phê duyệt. Việc triển khai dự án trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ là hướng đi mới cho các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh và trở thành sản phẩm hàng hoá mang thương hiệu Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.