Theo Tổng cục Thủy sản, để chủ động sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tổng cục Thủy sản chủ trì cùng với Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, II và III triển khai Dự án “ Phát triển tôm bố mẹ tôm thẻ chân trắng”. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã lai tạo và cung cấp được 04 dòng tôm thẻ chân trắng bố mẹ có chất lượng tốt cho một số cơ sở sản xuất giống. Để tiến hành đánh giá, khảo nghiệm trên diện rộng, Tổng cục Thủy sản cho phép các cơ sở nhận đàn tôm thẻ chân trắng từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I được sản xuất và cung cấp giống tôm cho các cơ sở nuôi thương phẩm nhằm đánh giá, khảo nghiệm được tốt hơn.
Nhằm tăng hiệu quả quản lý, giám sát đàn tôm thẻ chân trắng lai tạo, Tổng cục Thủy sản vừa có văn bản yêu cầu Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I phối hợp lựa chọn một số cơ sở đủ điều kiện tiếp nhận đàn tôm hậu bị, ưu tiên các cơ sở khép kín từ sản xuất giống đến nuôi thương phẩm; Trước khi vận chuyển đàn tôm hậu bị, Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I gửi danh sách cơ sở tiếp nhận, địa chỉ, số lượng tôm cung cấp để Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT địa phương xem xét, quyết định; Hướng dẫn các cơ sở tiếp nhận đàn tôm hậu bị, nuôi thương phẩm theo quy trình đảm bảo thời gian và các chỉ tiêu đánh giá, khảo nghiệm.
Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố phối hợp với Tổng cục Thủy sản lựa chọn cơ sở đủ điều kiện tiếp nhận đàn tôm hậu bị; Theo dõi cơ sở tiếp nhận đàn tôm hậu bị và cơ sở nhận tôm giống để nuôi thương phẩm theo hướng dẫn Tổng cục Thủy sản. Còn đối với các cơ sở nhận đàn tôm bố mẹ tôm thẻ chân trắng hậu bị và tôm giống thực hiện nuôi giữ, cho sinh sản, ương nuôi tôm giống, nuôi tôm thương phẩm theo quy trình của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I và hướng dẫn ghi chép hồ sơ của Tổng cục Thủy sản khi vận chuyển, cung cấp tôm giống cho các cơ sở khác phải thực hiện các quy định về kiểm dịch theo quy định, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT tại địa phương và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I.