Làm việc với EC trong tháng 3
Ngày 23/10/2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản XK của Việt Nam vào thị trường của Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, EC đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018).
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung (Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), trong thời gian qua, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, chống hành vi khai thác IUU, hàng loạt giải pháp mang tính cấp bách, khẩn trương được tập trung triển khai như: Rà soát và ban hành bổ sung các quy định về chống khai thác IUU tại các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền phổ biến về các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU tới cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan; thực hiện đối thoại với EU, cập nhật tiến độ mà Việt Nam đã và đang triển khai nhằm cải thiện quản lý nghề cá theo hướng nghề cá có trách nhiệm...
Cụ thể, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tăng cường công tác tuần tra, giám sát chống khai thác IUU, trong đó, tập trung vào các khu vực Vịnh Bắc bộ, Tây Nam bộ (vùng biển giáp ranh Thái Lan, Campuchia), các vùng biển giáp ranh Indonesia, Malaysia….
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu địa phương thắt chặt việc kiểm tra tại cảng, đảm bảo 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khác; đảm bảo tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản không được ra khơi, không để tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp.
Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, các địa phương đã tăng cường các hình phạt, xử phạt ở khung hình phạt cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm; tiến hành điều tra, xử lý hình sự các đối tượng môi giới đưa tàu đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Theo bà Dung, trong khuôn khổ chương trình hợp tác đa phương và song phương, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức nhiều đoàn đàm phán với Philippines, Thái Lan, Brunei… chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm chống khai thác IUU, tháo gỡ “thẻ vàng” và đưa ra cam kết chung về việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong chống khai thác IUU và xem xét ký kết đường dây nóng và thúc đẩy hợp tác nghề cá.
“Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tích cực trao đổi trực tiếp định kỳ giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với đại sứ EU tại Hà Nội về việc triển khai hoạt động của Việt Nam chống khai thác IUU. Trong tháng 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ có buổi làm việc với Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC về khai thác IUU”, bà Dung nói.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xác định rõ sự cảnh báo này, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các địa phương và cộng đồng DN thủy sản đã có những hành động hết sức quyết liệt để khắc phục các cảnh báo do EC đưa ra, nhằm bảo đảm việc khai thác thủy sản có trách nhiệm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tỉnh đã ban hành các biện pháp nhằm xử lý mạnh việc khai thác IUU. Tỉnh Quảng Bình triển khai kế hoạch kiểm tra 100% tàu cá xuất/nhập bến theo khuyến cáo của EC. Theo đó, 100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ, thực tế khi tàu xuất bến, chú trọng tàu lưới kéo, tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài; 100% tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng cá sông Gianh, Nhật Lệ; kiểm tra, thanh tra tại cảng cá ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ; 5% sản lượng lên bến đối với các sản phẩm khai thác khác theo khuyến nghị của EC cùng với việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trên biển.
Sau nhiều công điện, chỉ thị chỉ đạo cụ thể, ngày 16/1/2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản IUU đến năm 2025. Mục tiêu của kế hoạch nhằm ngăn chặn tiến tới loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam; thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước.
Ngày 26/1/2018, VASEP đã có công văn gửi Tổng cục Thủy sản để báo cáo về việc EU đang tăng cường xác minh chứng nhận C/C IUU các lô hàng hải sản Việt Nam nhập khẩu vào EU trong bối cảnh “thẻ vàng”. Đồng thời VASEP đã cử đại diện cụ thể tham gia Tổ công tác IUU của Bộ NN&PTNT. VASEP đề nghị được chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý ngay từ ban đầu các yêu cầu xác minh của EU qua cổng email IUU Việt Nam.
Ngày 1/2/2018, các DN hải sản trong Chương trình cam kết chống khai thác IUU của VASEP đã đồng loạt treo bản cam kết (tại cổng nhà máy) chống khai thác IUU, cam kết không thu mua, chế biến và XK từ nguyên liệu hải sản có nguồn gốc khai thác IUU. Tiếp nối hiệu ứng này, VASEP đã đề xuất Bộ NN&PTNT có văn bản chỉ đạo xuống các tỉnh thành và Tổng cục Thủy sản về hoạt động tuyên truyền-truyền thông chống khai thác IUU
Nỗ lực xóa “thẻ vàng”
VASEP vừa có đề nghị Tổng cục Thủy sản chủ trì phối hợp với VASEP tổ chức Hội nghị đánh giá giữa kỳ về triển khai các nhiệm vụ, hoạt động khắc phục “thẻ vàng”, nhằm đánh giá những tồn tại-bất cập để lãnh đạo Bộ và Tổng cục kịp thời chỉ đạo các phương án tiếp theo, bao gồm một trong những nội dung quan trọng là việc hướng dẫn Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT ký ngày 31/1/2017 của Bộ với nhiều nội dung điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi.
Đồng thời, VASEP đề xuất một số hoạt động ưu tiên triển khai trong tháng 3/2018, gồm: Đại diện Ban điều hành IUU VASEP được tham gia đoàn công tác của Bộ NN&PTNT sang làm việc về IUU và “thẻ vàng” với EU và Hàn Quốc theo kế hoạch sắp triển khai; VASEP phối hợp tích cực với Tổng cục về công tác chuyển ngữ và rà soát ngôn ngữ (tiếng Anh) của các báo cáo hoặc văn bản pháp lý nhằm kịp thời các công việc liên quan trong thời gian “thẻ vàng”.
“Việt Nam đang khẩn trương tháo dỡ ‘thẻ vàng’ trong thời gian sớm nhất. Tổ công tác của Bộ NN&PTNT đang làm việc với tỉnh Kiên Giang, Cà Mau để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện IUU chặt chẽ. Nỗ lực gỡ bỏ ‘thẻ vàng’ của EC phải là sự hợp tác, chung tay giữa các cơ quan ban ngành, địa phương”, bà Dung nói.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay: “Việt Nam đang nỗ lực để gỡ “thẻ vàng” trong tháng 4/2018 hoặc nếu có chậm hơn cũng chỉ vài tháng, trong thời gian sớm nhất có thể. Trong đó, vấn đề quan trọng đầu tiên là chỉ đạo, tuyên truyền và quyết tâm nâng nhận thức của ngư dân để không đánh bắt sai pháp luật. Ngoài ra, biện pháp còn là thúc đẩy giám sát, kiểm soát hải trình, áp dụng xử phạt, thậm chí thu giấy phép của thuyền viên, cấm một thời gian ra biển”.
Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong tương lai, không chỉ ở lĩnh vực thủy sản mà với các mặt hàng khác, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu hướng tới phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản xuất đúng pháp luật.
Liên quan tới xóa “thẻ vàng” cho hải sản XK, 9 khuyến nghị mà EC đưa ra cho Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng gồm: Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản; đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả của pháp luật quốc gia sửa đổi; tăng cường việc thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua một chế độ xử phạt đầy đủ được thực thi và theo dõi; khắc phục những thiếu sót đã được xác định trong thanh tra, kiểm soát và giám sát (MCS) liên quan đến các yêu cầu đặt ra của các quy định quốc tế và khu vực cũng như trong khuôn khổ hệ thống chứng nhận khai thác; tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác; cân bằng năng lực khai thác và chính sách đội tàu cá; tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và NK vào lãnh thổ; tăng cường và đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác (đặc biệt là các quốc gia ven biển trong vùng biển mà tàu thuyền treo cờ Việt Nam có thể hoạt động) phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế; đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và lưu giữ trong RFMOs (các tổ chức quản lý nghề cá khu vực).