Dự thảo mới … theo cách quản lý cũ!
Còn nhớ, trước đây, trong một lần phát biểu, TS. Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), cho biết, khi sang Nga để bàn về hợp tác XK thủy sản, một khách hàng đã châm biếm về tỷ lệ mạ băng rất cao và sử dụng phụ gia để tăng hàm lượng nước (thủy phần) trong phile cá tra: “Chúng tôi đã đủ băng rồi, không cần mang thêm nước đá từ Việt Nam sang nữa!” Trước tình trạng ấy, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 3535 ngày 20/12/2009, chỉ cho phép XK sản phẩm philê cá tra đông lạnh có thủy phần dưới 83%.
Tuy vậy, trước phản ứng của cộng đồng DN khi đó, Bộ NN&PTNT đã lùi thời hạn thực hiện quy định này đến tháng 8/2010, nhằm giúp các DN có thời gian chuẩn bị giải phóng hàng tồn kho và đàm phán với khách hàng mức giá mới. Trong thời gian này các DN không được phép XK sản phẩm philê cá tra đông lạnh có thủy phần trên 86%. Hết tháng 8/2010, DN vi phạm sẽ không được cấp chứng thư XK. Bẵng đi một thời gian, việc siết chặt quản lý chất lượng cá tra XK dần lắng xuống, và thời hạn trên đã hầu như bị lãng quên, không ai nhắc tới nữa.
Trong hội nghị tổng kết sản xuất và XK cá tra cuối năm 2012, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, nêu hiện tượng một số DN XK cá tra yếu kém về tài chính và năng lực quản trị, đã tăng thuỷ phần trong phile cá tra bằng cách lạm dụng phụ gia giữ nước, đồng thời tăng tỷ lệ mạ băng lên 30 - 40%, rồi hạ giá bán để cạnh tranh, làm rối loạn thị trường. Ông kiến nghị cơ quan quản lý nên quy định DN phải công bố thủy phần và tỷ lệ mạ băng trên nhãn sản phẩm của họ và tự chịu trách nhiệm về những thông số chất lượng đó. Ông cũng đề nghị để giữ uy tín chất lượng tự nhiên của cơ thịt cá tra, nên xem xét lộ trình để tiến tới chấm dứt việc sử dụng phụ gia giữ nước trong khi chế biến sản phẩm chiến lược này.
Tại hội nghị nói trên, khi vị đại diện của NAFIQAD nhắc lại việc VASEP phản đối các quy định của NAFIQAD về tỷ lệ mạ băng và thủy phần trước đây, ông Dũng nói rõ rằng cộng đồng DN chỉ phản đối việc NAFIQAD đưa quy định kiểm tra bắt buộc chỉ tiêu chất lượng thủy phần và tỷ lệ mạ băng mà thôi, còn việc quy định ghi nhãn để tự công bố trị số của các chỉ tiêu này trong sản phẩm phile là việc cần thiết, như một cam kết về chất lượng của DN và do DN tự chịu trách nhiệm với khách hàng, hoàn toàn phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Tiếp thu ý kiến của VASEP, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, mới đây NAFIQAD đã xây dựng dự thảo và đưa ra lấy ý kiến DN về quy định kiểm soát chất lượng sản phẩm cá tra, basa XK. Theo dự thảo, các lô hàng cá tra, basa philê đông lạnh XK sang thị trường EU, Mỹ, Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) và Ukraine, ngoài việc đáp ứng các quy định về ATTP còn phải đáp ứng thêm các quy định về tỷ lệ mạ băng, hóa chất, phụ gia và hàm lượng nước.
Theo đó, tỷ lệ mạ băng so với khối lượng tịnh của sản phẩm dạng philê đông lạnh XK phải tuân thủ đúng quy định của cơ quan thẩm quyền nước NK nhưng không vượt quá 20% và phải ghi rõ trên nhãn sản phẩm (Quy định hiện hành tại Quyết định số 01/2008/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT ngày 4/1/2008 quy định về ghi nhãn, mạ băng và sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến sản phẩm cá đông lạnh, chỉ yêu cầu tỷ lệ nước mạ băng so với khối lượng tịnh của sản phẩm theo quy định của cơ quan thẩm quyền nước NK).
Các DN cũng được đề nghị đóng góp ý kiến về số phần trăm tối đa hàm lượng nước trong sản phẩm tính theo khối lượng tịnh của sản phẩm cá tra, basa philê đông lạnh.
Cũng theo dự thảo, sản phẩm XK có sử dụng hóa chất, phụ gia có khả năng giữ nước (thuộc nhóm phosphate hoặc không phosphate) phải ghi nhãn về hóa chất, phụ gia sử dụng (tên, hàm lượng) và hàm lượng nước trên sản phẩm.
Điều đáng băn khoăn nhất là dự thảo còn quy định về việc kiểm tra bắt buộc các chỉ tiêu hàm lượng nước và tỷ lệ mạ băng, tức là vẫn giữ nguyên cách tiếp cận cũ như quy định của NAFIQAD đã bị cộng đồng DN phản đối trước đây, chỉ khác về tần suất kiểm. Trên cơ sở báo cáo kế hoạch sản xuất, XK hằng tháng, DN và cơ quan kiểm tra sẽ kiểm tra trước khi XK theo tỷ lệ 1 mẫu/200 tấn thành phẩm XK. Cơ sở có lô hàng vi phạm quy định đối với các chỉ tiêu này sẽ bị cơ quan kiểm tra lấy mẫu kiểm tra chặt với tần suất 1/50 tấn. Chế độ kiểm tra chặt sẽ được dỡ bỏ khi có kết quả kiểm tra 5 lần liên tiếp đạt yêu cầu. Trường hợp cơ sở tái phạm, cơ quan kiểm tra ra thông báo tạm thời đình chỉ XK sản phẩm cá tra, ba sa philê đông lạnh vào các thị trường nói trên cho đến khi cơ sở áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp, được cơ quan kiểm tra thẩm định, đánh giá đạt yêu cầu.
Cộng đồng DN cam kết XK sản phẩm chất lượng cao
Sáng 25/2/2013 tại Tp Hồ Chí Minh, 26 DN XK cá tra hàng đầu cả nước đã tham gia cuộc họp do VASEP tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký VASEP Trương Đinh Hoè để góp ý cho dự thảo nói trên của Bộ NN&PTNT.
Đại diện các DN đều nhất trí với quy định thủy phần trong sản phẩm cá tra philê đông lạnh XK không được vượt quá 86% khối lượng tịnh. Đây là mức mà theo các DN là phù hợp với tình hình thực tế và các tiêu chuẩn của thế giới. Về tỷ lệ mạ băng, các DN đề nghị không quy định mức tỷ lệ mạ băng tối đa, mà theo yêu cầu của đối tác và thị trường NK. Tuy nhiên, DN phải ghi rõ thủy phần và tỷ lệ mạ băng trên bao bì, như sự cam kết về chất lượng sản phẩm. Các DN cũng cho rằng, nên quy định DN phải ghi thêm trên bao bì tên các hóa chất có khả năng gây dị ứng cho người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Ký, TGĐ Công ty CP XNK Thủy sản An Giang, thời gian qua một số DN đã có những “thủ thuật” lạm dụng hóa chất, mạ băng để có thể hạ giá bán để cạnh tranh. Ví dụ, giá thành một miếng philê cá tra là 2 USD, nếu tăng tỷ lệ mạ băng lên 20% có thể giảm xuống còn 1,8 USD, thậm chí 1,4 USD nếu tỷ lệ mạ băng lên tới 30%. Ông Ký cho rằng việc kiên quyết ngăn chặn những hành vi này sẽ làm giảm bớt số DN làm ăn không chân chính.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Uỷ ban Cá nước ngọt VASEP (VFFC), cho rằng Việt Nam nên tiến tới loại bỏ sử dụng phụ gia, hóa chất tăng trọng trong chế biến thủy sản. Theo ông, các chất phụ gia chiếm 5% giá thành sản phẩm. Năm vừa qua các DN đã chi khoảng 100 triệu đôla Mỹ để NK phụ gia chế biến thủy sản. “Mỹ là thị trường lớn của cá tra. Ngoài cá tra, họ cũng ăn cá rô phi, cá hồi, cá tuyết,… Những sản phẩm đó không hề sử dụng hóa chất bảo quản. Nếu không quản lý chặt về chất lượng và trừng phạt những hành vi gian lận thì rất khó nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của cá tra trong tương lai”- ông Minh phát biểu.
Các DN đều cho rằng, nên áp dụng quy định về tỷ lệ tối đa và công bố rõ trên bao bì hàm lượng nước và mạ băng cho sản phẩm cá tra philê đông lạnh cho tất cả các thị trường, thay vì chỉ áp dụng với một số thị trường như trong dự thảo. Thời gian bắt đầu thực hiện là 90 ngày kể từ ngày ký để DN có thời gian chuẩn bị in lại bao bì.
Kiểm tra chất lượng cá tra như thế nào?
Ý kiến của các DN đều cho rằng quy định kiểm tra bắt buộc các chỉ tiêu này, dù với tần suất bao nhiêu, cũng làm tăng chi phí của DN và không phù hợp với Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa. Cá tra XK nằm trong nhóm sản phẩm, hàng hoá không có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hoá trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường) và theo luật này, chất lượng được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.
Theo Luật, việc quản lý các thông số, chỉ tiêu chất lượng hàng hoá là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm thông thường không thuộc trách nhiệm kiểm tra bắt buộc của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực thi các quy định của pháp luật về thẩm tra xem DN có vi phạm các cam kết về chất lượng sản phẩm mà họ đã công bố.
Do đó, VASEP kiến nghị cơ quan quản lý nên quy định DN tự công bố và chịu trách nhiệm về thủy phần và tỷ lệ mạ băng như những thông số chất lượng cam kết trên nhãn sản phẩm. Nhà nước sẽ kiểm tra và giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Điều 27 và Điều 29 của Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa. Nếu DN vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại luật này.
Liên tiếp từ đầu năm 2013, những giải pháp chính sách hỗ trợ và kích thích ngành chế biến XK cá tra đã được đưa ra, như điều tra việc cho vay vốn ưu đãi trong nuôi và chế biến cá tra, hoàn thiện Nghị định về cá tra,… và giờ đây là việc siết chặt quản lý chất lượng cá tra XK. Rõ ràng, các cơ quan quản lý đã quan tâm để giúp một sản phẩm thủy sản đặc thù với giá trị XK hàng tỷ USD đôla mỗi năm của Việt Nam. Điều quan trọng là sự quan tâm đó phải được biến thành những quy định đúng luật, hỗ trợ xu hướng cạnh tranh lành mạnh, mà không gây thêm những khó khăn bất hợp lý cho DN đã và đang chồng chất khó khăn.