Nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ “Xây dựng mô hình sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus) tại Hải Phòng” do thạc sỹ Nguyễn Hữu Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm làm chủ nhiệm được thực hiện từ tháng 9/2016 sau khi được chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I.
Sau 15 tháng triển khai, nhóm tác giả đã tiếp nhận và làm chủ năm quy trình, gồm: Quy trình kỹ thuật lựa chọn và nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ; quy trình kỹ thuật sử dụng kích dục tố, cho đẻ và ấp trứng; quy trình kỹ thuật ương cá bột thành cá hương cỡ 3-3,5 cm; quy trình kỹ thuật ương từ cá hương cỡ 3-3,5 cm thành cá giống cỡ 12-15 cm; quy trình quản lý môi trường ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên cá bố mẹ, cá hương và cá giống.
Song song với đó, Trung tâm đã tiến hành chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật như nhà xưởng, ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống bể đẻ, bể ấp trứng, dụng cụ, nguyên vật liệu và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen theo yêu cầu của đơn vị chuyển giao.
Từ đàn cá bố mẹ gồm 30 con (15 cá cái, 15 cá đực), thạc sỹ Nguyễn Hữu Xuân và cộng sự đã nuôi vỗ thành thục 23 con (12 cái, 11 đực). Sau đó, tiến hành sinh sản 3 đợt thu được 3.318.700 trứng (đạt tỉ lệ nở trung bình 67,22%), và thu được 1.404.171 cá bột. Nhóm nghiên cứu tiến hành ương 232.500 con cá bột thu được 121.350 cá hương (tỉ lệ sống đạt 52,33%); từ 6.300 con cá hương cỡ 3-3,5cm nuôi ương thành cá giống cỡ 12-15cm thu được 4.470 con, tỉ lệ sống trung bình đạt 71,03%...
Với những thành công trong nuôi vỗ cá bố mẹ thành thục, tỷ lệ đẻ trứng, thụ tinh, tỷ lệ nở và sống trong quá trình ương cá bột lên cá hương và cá giống, trung tâm đã góp phần chủ động nguồn giống cá trắm đen có chất lượng trên địa bàn thành phố, nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình nuôi thương phẩm, nâng cao thu nhập cho hộ nuôi trồng thủy sản; đồng thời góp phần khôi phục, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi cá trắm đen tự nhiên.