Mô hình nuôi Hàu Thái Bình Dương được triển khai ở 6 hộ. Trong đó có 3 hộ thí điểm nuôi Hàu trong ao nuôi tôm quảng canh và 3 hộ nuôi Hàu ở vùng cửa sông Mỹ Thanh. Sau 5 tháng nuôi, người dân bắt đầu thu hoạch. Ông Đoàn Văn Đùa ở ấp Mỹ Thanh, cho biết: “Nguồn giống Hàu do ngành chức năng hỗ trợ cho hộ nuôi với 1 dây khoảng 250 con. Khi về tôi chiếc ra với khoảng cách từ 5 đến 6 tấc/con. Hiện tôi có 1.000 dây Hàu và đang phát triển rất tốt”.
Hàu giống Thái Bình Dương có tỉ lệ thịt cao, vỏ mỏng.
Hiện, Hàu của hộ nuôi đạt trọng lượng 25 con/kg. Theo kỹ sư Phạm Viết Nam, thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, thông thường tỉ lệ Hàu nuôi sống đạt 20% là khá lời, nhưng ở khu vực xã Vĩnh Hải đạt từ 40-50%, cho thấy vùng này nuôi Hàu rất thích hợp. Kỹ sư Phạm Viết Nam, nhận xét: “Đặc điểm của giống Hàu này là thịt nhiều, vỏ mỏng, thích ứng với độ mặn từ 0 đến 35%o và nếu duy trì độ mặn từ 10%o trở lên từ 5 đến 6 tháng thì Hàu phát triển rất tốt. Khi Hàu đạt kích cỡ tối ưu thì tỉ lệ thịt chiếm 35% so với vỏ. Giá bán Hàu hiện nay từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg, có giá trị kinh tế gấp 3 lần so với giống Hàu địa phương”.
Trước đây khu vực ven sông Mỹ Thanh người dân chủ yếu nuôi tôm tự nhiên, nay kết hợp nuôi Hàu Thái Bình Dương. Mô hình này không ảnh hưởng đến tôm nuôi mà còn tăng thu nhập cho bà con. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Ở Vĩnh Hải, những vùng gần cửa sông đa số hộ dân nuôi tôm tự nhiên, nên hiệu quả không cao, do đất đai chưa khai phá được để nuôi tôm công nghiệp. Việc được đầu tư mô hình nuôi Hàu này rất cần thiết với các hộ sống gần cửa sông”.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra và hướng dẫn cách chăm sóc Hàu.
Nuôi Hàu Thái Bình Dương là một trong những mô hình mới triển khai tại Sóc Trăng, chi phí đầu tư không cao, nguồn thức ăn chủ yếu từ tự nhiên, lại ít công chăm sóc, nếu được nhân rộng sẽ góp phần rất lớn trong đa dạng hệ sinh thái, tăng lợi ích kinh tế vùng cửa sông.