1. Nhận xét:
- Nhiệt độ nước: do nắng nóng nên nhiệt độ tương đối cao và dao động từ 30-33oC, tuy nhiên vẫn nằm trong ngưỡng cho phép lấy nước để nuôi tôm.
- Độ mặn: độ mặn tuần này tiếp tục giảm lại so với tuần trước (riêng Cù Lao Dung độ mặn tăng). Cụ thể Vĩnh Châu độ mặn 8-12‰ (không dao động nhiều so với tuần trước và thấp hơn 2-4‰ so với cùng kỳ 2017); Mỹ Xuyên độ mặn 1,5-12‰ (giảm 1-5‰ so với tuần trước, so cùng kỳ 2017 thì thấp hơn 2-3‰ tại Hòa Lý và Dù Tho và cao hơn 4‰ tại Cầu Treo); Trần Đề 8-13‰ (giảm 2-3‰ so với tuần trước và thấp hơn 9-15‰ so cùng kỳ 2017); Cù Lao Dung độ mặn còn 8-10‰ (tăng 8-10‰ so với tuần trước và cao hơn 8-10‰ so cùng kỳ 2017).
- Độ pH: Hầu hết các điểm có pH trong ngưỡng cho phép dao động từ 7-8. Riêng khu vực Mỹ Xuyên độ pH hơi thấp từ 6,4-6,9 do ảnh hưởng của việc xả cống nước ngọt, có nhiều lục bình.
- Độ Kiềm: tất cả các điểm đều có độ kiềm nằm trong ngưỡng cho phép dao động từ 63-162 mg/l.
- Độ trong: hầu hết các điểm có độ trong thấp 7-18 cm do nhiều phù sa và con nước đang lớn, dòng chảy mạnh.
- Oxy hòa tan: Khu vực Vĩnh Châu (Cầu Trà Niên, Đầu Vàm Trà Niên, kênh Vĩnh Châu), Mỹ Xuyên và Trần Đề có hàm lượng oxy hòa tan thấp <3,1mg/l. Các thủy vực còn lại có hàm lượng oxy trong ngưỡng từ 3,8-4,4 mg/l.
III. Tình hình khí tượng thủy văn Sóc Trăng tháng 5/2018
1. Tình hình chung.
- Tháng 05 trường gió tây nam bắt đầu hoạt động và mạnh dần, rãnh thấp xích đạo được hình thành và nâng trục dần lên phía bắc. Thời tiết tỉnh Sóc Trăng: khoảng 5 ngày đầu tháng mưa chỉ xuất hiện ở diện vài nơi tập trung vào chiều và tối nên ngày vẫn có nắng, có nơi nắng nóng. Sau đó mưa sẽ tăng dần lên cả diện rộng và lượng (các nơi trong tỉnh bắt đầu bước vào mùa mưa), có nơi sẽ có mưa to đến rất to và dông. Trong cơn dông khả năng kèm theo các hiện tượng nguy hiểm như: gió giật mạnh, lốc xoáy, sét đánh,….
- Trong tháng 05 sẽ có khoảng 15 - 20 ngày có mưa. Tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, lượng nước bốc hơi và số giờ nắng ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Nhiệt độ trung bình: 27.0 – 28.0oC, cao nhất 35.0 – 36.0oC, thấp nhất 23.0 – 24.0oC;
2. Dự báo mực nước.
Trên sông Hậu tại Trần Đề mực nước cao nhất đạt 1,8-1,9m và mực nước thấp nhất là -1,6 và -1,7m cùng xuất hiện vào ngày 02, 03, 04, 15, 16, 17 tháng 05. Trên sông Hậu tại Đại Ngãi mực nước cao nhất đạt 1,6-1,7m và mực nước thấp nhất là -1,5 và -1,6m cùng xuất hiện vào ngày 02, 03, 04, 15, 16, 17 tháng 05.
II. Đề xuất, kiến nghị
Theo kết quả so sánh, độ mặn năm 2018 có khả năng kết thúc sớm hơn so với cùng kỳ 2017 cộng với việc trong tháng 05 này theo dự báo lượng mưa sẽ nhiều hơn trung bình nhiều năm nên nhiều khả năng độ mặn sẽ giảm lại sớm trong thời gian tới. Do đó bà con nuôi tôm cần tranh thủ lấy nước có độ mặn cao (>5‰) vào ao chứa để dự trữ, chủ động được nguồn nước tốt. Đối với vùng nuôi luân canh tôm-lúa nên kết thúc vụ tôm trước tháng 09 DL để trồng lúa. Đối với các ao đang thả nuôi tôm cần lưu ý:
1. Quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường ao tôm
Hiện nay đang ở thời điểm mùa mưa, sáng nắng nóng, chiều mưa dầm do đó thời tiết đang diễn biến phức tạp, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao, các yếu tố môi trường dễ biến động lớn, do đó thời điểm này bà con nuôi tôm nên tăng cường đo đạc các yếu tố môi trường để kịp thời xử lý, giúp tôm chống chọi tốt với thời tiết cực đoan. Độ mặn thích hợp để nuôi tôm từ 5‰ trở lên. Đo pH mỗi ngày lúc 6h sáng và 3h chiều và dao động sáng chiều nhỏ hơn 0,5 đơn vị. Độ mặn, độ kiềm, khoáng chất, khí độc NO2, NH3 đo đạc 2-3 ngày 1 lần. Tăng cường chạy quạt để đảm bảo dòng chảy, tránh phân tầng nhiệt độ và đảm bảo hàm lượng oxy trong nước luôn lớn hơn hoặc bằng 5 mg/l. Tăng cường sử dụng men vi sinh xử lý đáy, xử lý nước (Bacillus sp, Nitrosomonas/Nitrobacter, Rhodobacter…) để phân hủy mùn bã hữu cơ, phân tôm... giúp đáy ao sạch, môi trường tốt.
Độ trong ngoài tự nhiên rất thấp, nước đục chứa nhiều phù sa, chất hữu cơ lơ lửng và tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, do đó bà con nuôi tôm không nên cấp nước trực tiếp vào ao đang nuôi tôm. Nếu cấp nước vào ao tôm nên cấp từ ao chứa, ao lắng lọc để sạch nước và xử lý cho cân bằng môi trường về độ mặn, pH, độ kiềm của ao lắng với ao đang nuôi tôm để tránh chênh lệch môi trường gây sốc tôm.
2. Quản lý cho ăn vừa đủ:
Tôm là loài ruột thằng, tiêu hóa và hấp thụ chỉ 30-40% lượng thức ăn và 60-70% lượng thức ăn còn lại thải ra ngoài ở dạng phân gây ô nhiễm hữu cơ, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại và tảo độc phát triển. Do đó nên cho tôm ăn ít, vừa đủ khoảng 80-90% lượng khuyến cáo thông thường. Những ngày mưa dầm đột ngột hoặc nắng nóng gay gắt (nhiệt độ nước trên 32oC) nên chủ động giảm 30-50% lượng thức ăn của ngày hôm trước. Đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước ≥ 5 mg/l để giúp tôm khỏe và tiêu hóa chuyển hóa tốt thức ăn. Bổ sung men tiêu hóa vào thức ăn giúp tăng cường sức đề kháng trên tôm và tăng cường khả năng chống chịu thời tiết bất thường. Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để trộn cho tôm ăn mà nên sử dụng các loại thảo dược như tỏi, trái cau, lá ổi, cây mật gấu, diệp hạ châu… để phòng ngừa bệnh đường ruột và gan tụy.
* Lưu ý:
Hiện nay đang trong thời điểm nắng nóng và mưa đầu mùa và biến động môi trường lớn, tôm nuôi dễ mắc bệnh gan tụy và phân trắng... do đó bà con nên quản lý chặt chẽ ao nuôi, theo dõi sát kết quả quan trắc môi trường nước cũng như thông tin cảnh báo dịch bệnh, thông tin về bản tin thời tiết, giải pháp khuyến cáo của ngành chức năng để chủ động ứng phó với thời tiết hiện nay.