Phóng viên (PV): Xin chị cho biết thông tin về tình hình sản xuất vụ tôm nước lợ năm 2017 trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình: Hiện nay, nông dân đã thả nuôi tôm hơn 34.000ha; trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ hơn 22.000ha, diện tích nuôi tôm sú gần 12.000ha. Tính đến cuối tháng 7-2017, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên 4.000ha, chiếm khoảng 12% diện tích thả nuôi. Nguyên nhân tôm thiệt hại chủ yếu do môi trường bị biến động nên tôm bị các bệnh, như: hoại tử gan tụy, đốm trắng, phân trắng... Với tình hình trên, ngành nông nghiệp cùng người nuôi đã ứng phó một cách khá chủ động, nên bệnh chỉ xảy ra cục bộ ở một cụm.
PV: Tình hình thả nuôi tôm là vậy, còn diễn biến thời tiết có ảnh hưởng gì đến tôm nuôi không, thưa thạc sĩ?
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình: Từ đầu năm đến nay, tình hình diễn biến thời tiết không xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn phức tạp như năm 2016, mà hầu như chỉ xảy ra tình trạng mưa nhiều, mỗi tháng đều có mưa. Đến thời điểm này, thời tiết đang ở giai đoạn mùa mưa, nên sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm không còn quá lớn, các yếu tố quan trắc môi trường cho thấy rất phù hợp cho con tôm phát triển. Cơ bản, việc nuôi tôm hiện nay đang trên đà thuận lợi, tỷ lệ thiệt hại không nhiều, diện tích tôm nuôi đang phát triển tốt (khoảng 21.000ha), sản lượng đã thu hoạch đạt 40% kế hoạch đã đề ra.
PV: Vậy kế hoạch và giải pháp cụ thể cho hơn 2 tháng còn lại của vụ nuôi tôm năm nay, như thế nào thưa thạc sĩ?
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình: Kế hoạch tới, Chi cục Thủy sản tiếp tục tham mưu cho ngành nông nghiệp chỉ đạo người dân thực hiện nhất quán 5 phương châm lớn trong nuôi tôm, cụ thể: nuôi nước trước nuôi tôm, ổn định sản xuất để đầu tư quy hoạch cụ thể, không mở rộng tràn lan; tiếp tục nhân rộng các mô hình đã thành công trong vụ nuôi tôm năm 2016 và học hỏi, tiếp thu có chọn lọc các mô hình áp dụng hiệu quả ở các tỉnh, thành khác kể cả ở các nước bạn; củng cố tổ chức sản xuất ngành tôm, chú trọng và tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho hợp tác xã, tổ hợp tác; tăng cường liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm như mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020.
Về các giải pháp, sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao các giải pháp duy trì và phát triển đàn tôm trong giai đoạn mùa mưa. Duy trì và nâng chất các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và nông dân để tiếp cận tốt ứng dụng khoa học kỹ thuật, vật tư đầu vào, giảm giá thành sản xuất và chất lượng được đảm bảo. Mỗi hộ nuôi tôm phải tự nguyện và thực hiện tốt việc ghi chép quá trình nuôi, đăng ký và khai báo dịch bệnh.
PV: Để vụ nuôi tôm năm 2017 thành công như mong đợi, ngành chuyên môn có những lưu ý gì thêm cho người nuôi tôm?
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình: Để có một vụ nuôi tôm thành công như mong đợi, trong giai đoạn hiện nay, người nuôi cần lưu ý thêm một số vấn đề sau: phải tự thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình nuôi, về dự báo thời tiết, về quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh; đồng thời phải trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp giúp duy trì và phát triển tốt đàn tôm. Ngoài ra, đối với các mô hình chuẩn bị xuống giống thả nuôi, tiếp tục bám sát lịch thời vụ, thả thăm dò, mật độ phù hợp với sự đầu tư và trình độ quản lý của mình.
PV: Xin cám ơn thạc sĩ về cuộc trao đổi này!