Doanh nghiệp thiếu vốn để mua cá nguyên liệu khiến người nuôi không có vốn tái đầu tư. Giá cá tra nguyên liệu vào thời điểm đầu năm 2012 đã có lúc đạt 28.000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ còn 22.000 đến 22.500 đồng/kg. Trong khi giá thức ăn tiếp tục tăng, nâng giá thành sản xuất mỗi kg cá tra từ 23.800 đồng lên 24.200 đồng.
Theo tính toán của người nuôi cá tra tại An Giang, Ðồng Tháp và Cần Thơ, với giá bán như hiện nay, người nuôi cá vẫn lỗ từ 2.000 đến 4.000 đồng/kg. Hiện tượng "treo ao" tiếp diễn với diện tích vài trăm ha trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo từ nay đến cuối năm, các nhà máy chế biến sẽ thiếu nguyên liệu cá trầm trọng.
Trước những khó khăn trong sản xuất cá tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) và các bộ, ngành có liên quan cũng đã bàn cách giúp người nuôi, doanh nghiệp chế biến cá tra. Giải pháp được thực hiện là Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo năm ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản nợ cũ của khách hàng; giãn nợ tối đa 24 tháng đối với những trường hợp khách hàng tạm thời gặp khó khăn chưa trả được nợ đúng hạn. Ðồng thời, tiếp tục cho vay mới theo cơ chế cho vay thông thường đối với khách hàng có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, với mức lãi suất cho vay cao nhất không quá 11%/năm mà không phụ thuộc vào việc khách hàng có dư nợ cũ đã được cơ cấu lại. Nhưng tính đến thời điểm này, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi vẫn rất khó khăn. Vì các ngân hàng khi xét cho vay vốn đều yêu cầu khách hàng trình phương án kinh doanh khả thi và tài sản thế chấp.
Trong khi tài sản thế chấp của cả nông dân và doanh nghiệp phần lớn cũng đã nằm tại ngân hàng. Hiện nay, Tổng cục Thủy sản đang cử một đoàn công tác đến các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để kiểm tra, đánh giá cụ thể kết quả việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra. Từ đó có cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp khác nhằm cứu trợ ngành cá tra trong giai đoạn hiện nay. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang khẩn trương xây dựng Nghị định cá tra, trong đó xác định xuất khẩu cá tra là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, để có cơ chế quản lý và chính sách phát triển phù hợp.
Tuy nhiên, nhìn trong ngắn hạn, để thực hiện mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt hai tỷ USD trong năm 2012, từ nay đến cuối năm, ngành cá tra đang rất cần những giải pháp cấp bách, kịp thời. Nhất là, các cơ chế, chính sách hỗ trợ đưa ra cần nhanh nhạy và hợp lý, lường trước tình trạng khó khăn của nông dân, doanh nghiệp để có thể phát huy tác dụng trên thực tế, tránh tình trạng cơ chế mở nhưng điều kiện thực hiện cơ chế lại là "nút thắt".