Kiểm tra phòng bệnh cho cá tầm
Mang cá tầm về núi
Đã mấy lần anh Nông Ngọc Tăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rủ tôi: “Đi thăm cá tầm suối Mơ đi”. Dù chưa cùng anh đi thăm được lần nào nhưng mỗi lần nói chuyện cá tầm mắt anh như sáng lên, say sưa như đang đứng cạnh lồng cá tầm mà thuyết trình vậy.
Về lý thuyết, cá tầm hợp với vùng nước lạnh, mà Lạng Sơn mùa đông lại rất lạnh. Theo anh Tăng, tính tổng sản lượng cá của cả tỉnh chia bình quân đầu người, mỗi người dân chưa nổi 4 lạng cá 1 năm. Trước tình hình chăn nuôi giảm đàn, tăng trọng bằng thuốc kích thích, dịch bệnh liên miên thì chỉ có cá là thực phẩm sạch. Nuôi cá là hướng đi dễ mang lại thành công nhất.
Thế là ý tưởng đưa cá tầm lên núi được ấp ủ từ đầu năm 2008. Từ ý tưởng, anh bắt đầu tìm hiểu thông tin qua sách vở, qua các trang mạng.Thông tin về cá có rất nhiều nhưng chọn giống nào là cả một vấn đề. Bằng kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm anh Tăng nảy ra ý định phải chọn một giống cá mang tính đột phá để thử nghiệm mục tiêu là phải nhanh lớn, phù hợp, dễ nuôi. Xem đi xem lại chỉ có giống cá tầm là phù hợp. Thế nhưng giống đâu, đề tài nghiên cứu chưa có lấy đâu ra kinh phí đi Nga mà tìm cá.
Ý tưởng của anh được anh Lê Văn Lựu, Viện trưởng Viện Thủy sản 1 hết lòng ủng hộ. Trong một chuyến đi Nga, anh Lựu đã bỏ ra 3.000 USD để mua giống cá tầm với ý định nuôi thử nghiệm ở vùng nước lạnh. Hay tin, anh Tăng tức tốc xuống Viện và 1.000 con cá tầm đầu tiên đã được chuyển về Lạng Sơn. Cùng lúc ấy phải tìm những nơi ao hồ có độ lạnh cần thiết để thử nghiệm.
Thế nhưng biết tìm ở đâu? Ao hồ ở Lạng Sơn không nhiều vì thế sự lựa chọn càng ít hơn. Đang lúc bí thì nghe người dân kháo nhau tại Bình Phúc, Văn Quan có một con suối chảy từ khe đá ra nên nước rất lạnh. Thế là nhóm cá tầm tổ chức ngay một chuyến khảo sát đến suối Mơ. Ngay sau khi thò tay xuống nước cả nhóm đã reo lên như một phát hiện mới. Thế là lồng cá tầm đầu tiên đã được hình thành.
Cá tầm thực nghiệm ở Suối Mơ
Cá tầm đánh thức Suối Mơ
Lồng cá thử nghiệm với 1.000 con được thả từ tháng 5/2011. Khi mới nuôi theo quy trình kỹ thuật, không ít người dân tò mò đến xem và họ ngạc nhiên khi thấy cách nuôi cá tầm khác hẳn với chăn thả thông thường. Theo anh Khiêm, cán bộ kỹ thuật, qua nuôi cá tầm đã hướng dẫn cho bà con cách nuôi khoa học. Nuôi cá ngay từ thức ăn, giờ ăn cũng được lập thành quy trình, vì thế phải cắt cử hẳn một cán bộ chuyên môn để theo dõi, ghi chép từng ngày. Qua 10 tháng, trung bình cá đã đạt 1,8 kg một con.
Anh Khiêm cho biết, vì mới nuôi, chưa nhiều kinh nghiệm, nguồn thức ăn ở xa nên quy trình chưa chặt chẽ, thế nhưng xét về hiệu quả kinh tế, cá tầm hơn hẳn các giống cá khác bởi khả năng chịu lạnh, lớn nhanh và sạch bệnh. Sau 10 tháng từ những con cá tầm bé tẹo như ngón tay đã lớn vổng bằng bắp tay thợ cày. Cái lạ nữa là cá tầm chỉ di chuyển nhẹ nhàng, đánh bắt dễ, nếu nước nông chỉ dùng tay khua đã có thể tóm được.
Theo cách tính của anh Khiêm, lồng cá này nếu xuất hết cũng phải được vài trăm triệu đồng có thể bù đắp được chi phí bỏ ra. Một tin vui nữa đến với cá tầm. Tại cuộc hội thảo đánh giá về tiềm năng nuôi cá tầm ngày 21/3/2012 vừa qua, các nhà khoa học hàng đầu về cá tầm của Viện nghiên cứu Thủy sản 1 Trung ương đã thống nhất, cá tầm Seberi bước đầu phù hợp với điều kiện chăn thả ở Lạng Sơn.
Nếu mô hình được nhân rộng thì Suối Mơ sẽ là địa điểm lý tưởng phát triển nuôi cá tầm. Với tiềm năng nước lạnh xứ Lạng có thể nhân thành hàng trăm điểm nuôi cá. Như vậy, mỗi năm Lạng Sơn sẽ có cả trăm tấn cá tầm thương phẩm góp phần làm giàu cho nhân dân.