Theo PGS TS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) Cộng đồng DN thủy sản đang trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có, do đã phát triển quá “nóng” theo mô hình tăng trưởng theo bề rộng. Tuy đem lại nhiều kết quả hoành tráng về lượng, mô hình này cũng tích lũy dần theo chiều sâu một số yếu tố về chất gây hệ quả trái chiều, đã bộc lộ khi điều kiện bên ngoài thay đổi, gây ra những đổ vỡ cay đắng.
Tăng trưởng nóng theo bề rộng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, số lượng DN chế biến XK thủy sản và hộ nuôi trồng thủy sản tăng vọt lên gấp đôi sau khi VN gia nhập WTO, thị trường tiêu thụ được mở rộng cùng với các ưu đãi mà cơ chế hội nhập mang lại, đặc biệt là con cá tra. Riêng tại khu vực ĐBSCL, hiện có 136 DN tham gia XK cá tra, trong đó có 64 DN chế biến cá tra XK và 72 DN thương mại, với tổng công suất thiết kế hơn 1,2 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, diện tích vùng nuôi cá tra cũng tăng lên đến “chóng mặt” đạt 4.541ha với tổng sản lượng ước đạt khoảng 700.000 tấn cá tra. Riêng các DN trong ngành tự lo vùng nuôi có sản lượng đạt khoảng 600.000 tấn. Hiện con cá tra XK của VN đã có mặt tại 135 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thị trường thế giới.
Trong suốt hơn một thập niên qua, để có khách hàng và chiếm thị phần tiêu thụ trên thị trường thế giới, một số DN chế biến cá tra XK vì chạy theo lợi nhuận đã tìm mọi cách để bán hàng, kể cả cạnh tranh không lành mạnh khi chào bán với giá thấp, bơm nước vào cá cấp đông… Hoạt động theo kiểu “ăn xổi” đã tạo nên hệ lụy không nhỏ cho toàn ngành. Hậu quả, trên 400 DN trong tổng số 800 DN ngành này bị “đổ nợ”, hiện chỉ còn lại khoảng 20% DN tồn tại và phát triển trong khi số còn lại đang… “hấp hối”. Từ ưu thế “một mình một chợ” với thị phần chiếm trên 80% thị trường thế giới, tự chủ động trong vấn đề giá thì đến nay giá cá tra đã tuộc dốc từ 4,5 – 4,93 USD/kg vào năm 1998 - 2000, nay xuống còn 2,2 – 2,8 USD/kg tùy thị trường và thương hiệu của nhà sản xuất.
Khó khăn mới
Nhiều DN thủy sản phản ánh, từ tháng 3/2012 các hãng tàu đã bắt đầu tăng giá cước vận tải biển, đẩy thêm gánh nặng chi phí trong kinh doanh cho DN. Chỉ tính 4 tháng qua, giá cước tàu đã tăng từ 640 - 1.200 USD cho mỗi container, ”góp phần” đưa giá cước tàu biển ở VN cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10 - 15%. Với giá cước tăng đột biến, trong tương lai gần hàng xuất khẩu của DN trong nước đến những thị trường châu Âu và Mỹ vốn là 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất, sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, làm giảm đi lợi thế. “Từ đầu năm nay, hải quan đã triển khai qui trình thông quan hàng hóa khi nhập khẩu mới. Tuy nhiên so với qui trình cũ, tiến độ nhận hàng chậm hơn và đặc biệt là phát sinh nhiều chi phí do hàng hóa bị lưu giữ ở cảng để chờ có Giấy chứng nhận kiểm dịch. Điều này đã dẫn đến tình trạng DN thiếu hàng để chế biến trong khi hàng hóa ứ đọng ở các cảng...” - ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Vasep cho biết.
Ông Dũng cũng cho biết, là thị trường lớn nhất trong số 129 thị trường tiêu thụ thủy sản VN, nhưng trong các tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang EU đã sụt giảm gần 8% so với cùng kỳ 2011. Nguyên nhân do khủng hoảng nợ công ở khu vực này đã khiến tình hình kinh tế tài chính khó khăn, nhu cầu nhập khẩu không ổn định và khả năng thanh toán chậm đã dẫn đến xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đều giảm mạnh (22% và 12%). Chưa hết nỗi lo về suy giảm thị trường, các DN trong nước đang “đau đầu” với giá tôm trên thị trường thế giới giảm đã tạo thêm áp lực khi đang phải đối mặt với hàng loạt chi phí đầu vào như xăng, dầu, điện, lương nhân công... đều tăng. Theo ông Dũng, đây là vấn đề báo động đối với xuất khẩu tôm khi khả năng cạnh tranh đang bị sụt giảm do giá thành sản xuất cao, dẫn đến giá chào bán thường cao hơn các nước khác.
Tái cơ cấu theo chiều sâu
Tái cơ cấu thủy sản không chỉ chú trọng vào tăng giá trị xuất khẩu mà cần phải tính đến phát triển bền vững của ngành. Trước thực trạng toàn chuỗi sản xuất thủy sàn có nguy cơ bị thu hẹp và đình đốn, giá giảm... ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ DN mà còn gây hiệu quả dây chuyền làm sụp đổ cả chuỗi sản xuất, theo các chuyên gia kinh tế, trước khi “trời cứu”, ngành cần chủ động chuyển đổi sâu rộng từ khâu chế biến, vận hành đến những công đoạn nhỏ trong toàn chuỗi giá trị. Các DN phải là người đóng vai trò quyết định trong những khâu vận hành trong chuỗi như: sản xuất con giống, thức ăn nuôi, nuôi, chế biến, xuất khẩu và phân phối theo hướng linh động dưới sự điều tiết của thị trường, hạn chế ách tắc mâu thuẫn giữa các khâu.
Nhằm giúp các DN bứt phá khỏi mô hình quản lý cũ, định hướng xây dựng hệ thống quản lý mới phù hợp với điều kiện thực tế, ngành thủy sản đang tập trung xây dựng lại hệ thống quản lý mới nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Vasep cũng đã tổ chức trang bị những kiến thức quản lý hiện đại về khai thác, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần, chế biến... sắp xếp lại chuỗi sản xuất hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nuôi, nhà cung cấp thức ăn và DN chế biến xuất khẩu.
Năm 2012, ngành thủy sản VN phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỉ USD và đến năm 2015, con số sẽ tăng lên 8 tỉ USD. Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt kế hoạch đề ra, ngành thủy sản phải thành công trong quá trình tái cơ cấu ngành hàng mình và muốn được như vậy, vai trò “nhạc trưởng” của các ngành chức năng, nhà quản lý là đặc biệt quan trọng. Cụ thể, Chính phủ cần có những bước đi mang tính đột phá trong đổi mới về thể chế và quy định cũng như sớm rà soát, loại bỏ các quy định thể hiện lợi ích cục bộ gây cản trở quá trình hoạt động của DN... “Ngoài ra, cũng cần nâng cao trình độ của các cơ quan và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong nỗ lực giảm bớt khó khăn cho DN trong quá trình tái cơ cấu. Các ngân hàng cũng có việc làm cụ thể chia sẻ khó khăn với DN qua những động thái kết hợp chặt chẽ hơn trong việc khoanh nợ xấu, cơ cấu lại thời hạn những khoản vay phù hợp...” - đại diện Cty Vĩnh Hoàn cho biết.
Tại cuộc họp của ngành thủy sản được tổ chức mới đây ở TP HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên gợi ý, ngành thủy sản nên cùng với Chính phủ nghĩ ra những phương thức mới để nâng cao chuỗi giá trị của ngành. Bên cạnh đó các DN nhanh chóng tiếp thu và chuyển hóa thành những kiến nghị để Chính phủ có những điều chỉnh hợp lý cũng như liên kết chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ quyền lợi, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ xây dựng thương hiệu... “Chính phủ đã xác định việc tái cơ cấu ngành không chỉ chú trọng vào tăng giá trị xuất khẩu mà cần phải tính đến nhiều yếu tố liên quan đến chuỗi hoạt động, phát triển bền vững của ngành hàng đó. Hiện Chính phủ đã xác định 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm: Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch phát triển; Tái cơ cấu thị trường tài chính, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô... Đây là cơ hội cho nền kinh tế nói chung và ngành thủy sản nói riêng trong việc chuyển dịch đạt hiệu quả kinh doanh bền vững trong tương lai”, ông Biên kết luận.