Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, có nhiều vũng vịnh, eo biển, đầm phá, tiềm năng lớn và thuận lợi cho nghề nuôi cá biển. Nghề nuôi cá biển cũng có từ lâu đời theo hình thức lấy giống tự nhiên vào đầm lợ và nuôi theo hình thức dân gian cổ truyền, khoa học không có gì đặc sắc, rõ nét. Nghề nuôi cá biển ở Việt Nam đang bắt đầu phát triển mạnh ở Quảng Ninh, Hải Phòng, các tỉnh miền Trung và Nam Bộ. Gần đây, nuôi cá mú, cá chẽm, cá giò, cá hồng,… lan rộng ra nhiều địa phương ven biển khác.
Tuy nhiên so với tiềm năng thì nghề nuôi cá biển ở nước ta còn quá khiêm tốn và chậm phát triển. Một trong những nguyên nhân chính là nguồn giống, thời tiết, kĩ thuật, thức ăn, thị trường xuất khẩu đã làm cho nghề nuôi cá biển ở nước ta mãi không chịu ‘lớn’.
Đối tượng nuôi
Do đa số các loài cá nuôi vùng nhiệt đới và á nhiệt Châu Á – Thái Bình Dương đều là loài cá ăn thịt, có nhu cầu đạm cao trong thức ăn chế biến, vì thế chi phí thức ăn, giá thành cao và sản lượng nuôi thường thấp.
Ở các nước đang phát triển thường có xu hướng tập trung nuôi một số loài cá có giá trị kinh tế cao để xuất sang Nhật, Bắc Mỹ và Châu Âu nên đôi khi cạnh tranh rất lớn về thị trường, giá cả, dẫn đến khó sản xuất và giá giảm thấp, gây trở ngại kinh tế xã hội cho người nuôi. Chính vì thế, không nên tập trung quá mức vào một vài loại có giá trị cao xuất khẩu mà nên có những loài nuôi hỗ trợ tiêu thụ nội địa. Việc tập trung nuôi những loài cá ăn thịt và sử dụng quá mức nguồn cá tạp cũng gây trở ngại về nguồn thức ăn, tự nhiên và ô nhiễm môi trường. Tiêu chuẩn chọn lựa đối tượng nuôi cá thích hợp cần phải dựa vào nhu cầu, giá trị kinh tế của loài, kĩ thuật nuôi, đặc điểm sinh học cá, điều kiện môi trường nuôi.
Mô hình nuôi
Hầu hết các loài cá biển hiện nay đều được nuôi theo xu hướng bán thâm canh hay thâm canh trong bể, ao, đăng, lồng.
Đối với nuôi bể, có nhiều loại bể khác nhau như bể sợi thủy tinh (composite) hay bể xi măng, kích cỡ vài chục đến vài trăm mét khối. Ao nuôi thâm canh có kích cỡ từ vài trăm đến vài ngàn mét khối nước. Nuôi thâm canh được trang bị hệ thống sục oxy, cấp thay nước hoàn chỉnh.
Đối với hình thức đăng quầng, hình thức này cũng khá phổ biến ở nước ta, tuy nhiên từ những năm 1980 đã suy giảm do một số trở ngại trong khâu quản lí và rủi ro khác.
Đối với nuôi lồng, có 3 qui mô gồm qui mô đơn giản như đăng lồng cố định đặt ở đầm – phá, qui mô bán hiện đại gồm giàn lồng nổi đặt ở eo, vịnh gần bờ, kín gió và cuối cùng là qui mô hiện đại đang được phát triển gồm lồng ngầm, nuôi ở biển khơi. Kỹ thuật nuôi ngày càng phát triển nhưng phải chọn lựa kĩ thuật sao cho vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo thân thiện môi trường. Nên nuôi kết hợp ở vùng ven nội địa và nuôi thâm canh trong lồng biển khơi là phương án được chọn lựa quan trọng nhất trong thời gian sắp tới.
Nuôi trên biển theo công nghệ nuôi lồng của Na uy tại vịnh Vân Phong.
Nguồn thức ăn
Trong nuôi cá biển, thức ăn là quan trọng nhất hiện nay vẫn là cá tạp. Tuy nhiên, có một số trở ngại do không chủ động, cá ôi thối, ô nhiễm, mầm bệnh … Vì thế, thức ăn hỗn hợp ẩm thường được bổ sung để tăng cường dinh dưỡng, phòng chống bệnh tật. Thức ăn hỗn hợp ẩm thường làm ở trang trại. Một vài đối tượng có thể sử dụng thức ăn viên dạng khô, nổi rất thuận tiện. Hệ số thức ăn thông thường là 4 – 10 đối với cá tạp và 1,5 - 2,5 đối với thức ăn viên khô. Tuy nhiên, xu hướng phát triển trong tương lai là thức ăn viên, vì dễ quản lí, chủ động nguồn thức ăn và đẩy mạnh năng suất thâm canh.
Sản xuất giống
Nghề nuôi cá biển tuy đạt được một số thành tựu quan trọng sản xuất giống nhân tạo cho ương nuôi nhưng rất nhiều loài cá vẫn lệ thuộc vào nguồn giống đánh bắt trong tự nhiên. Điều này gây trử ngại là khả năng cung cấp giống không đầy đủ, thiếu chủ động và chất lượng giống cũng khó đảm bảo. Hơn nữa, nếu khai thác quá mức sẽ gây trở ngại về chất lượng do bệnh tật, thoái hóa giống do thiếu cá bố mẹ.
Đối với kĩ thuật nuôi vỗ và cho sinh sản cá bố mẹ, trước đây hầu hết dựa vào nguồn cá bố mẹ đánh bắt tự nhiên và kích thích cho đẻ chứ không được nuôi vỗ. Từ những năm 1980, nhiều loài cá có thể bắt được từ tự nhiên và nuôi vỗ trong ao hay lồng ngoài trời hay nuôi bể trong nhà trước khi cho đẻ. Nuôi vỗ cá mẹ trong lồng cho kết quả thành thục hơn, tuy nhiên nhiều loài có thể nuôi vỗ trong ao. Trong những năm 1990, cá bố mẹ có thể được nuôi từ cá con được sản xuất giống nhân tạo đến giai đoạn trưởng thành trong lồng ao. Trong nuôi vỗ, thức ăn chủ yếu là cá tạp, tuy nhiên thức ăn nhân tạo có chất lượng cao đang dần được phát triển để thay thế hay kết hợp cá tạp, đồng thời cải thiện chất lượng trứng và cá con.
Hầu hết các loài cá nuôi trong ao hay lồng bè có thể đẻ tốt trong điều kiện bể sau khi kích thích hormon, tuy nhiên, nhiều loài cũng không cần kích thích hormon. Các loại hormon thường dùng gồm não thùy, HCG, LHRH và DOM. Trong nuôi vỗ và sinh sản cá biển, nhiều trường hợp còn phải kích thích để chuyển đổi giới tính cá để đảm bảo chủ động nguồn cá bố mẹ.
Kiểm soát chất lượng cá bố mẹ để chủ động nguồn cá giống.
Đối với ương cá con, thông thường có thể được ương trong bể trong nhà hay ao đất ngoài trời. Việc ương trong bể trong nhà có thể kiểm soát môi trường và tỷ lệ sống tốt hơn. Tuy nhiên, ương nuôi cá ở ao ngoài trời có ưu điểm là có nhiều nguồn thức ăn tự nhiên thích hợp với các giai đoạn khác nhau của cá, cá lớn nhanh hơn, khỏe hơn và tránh ăn nhau hơn. Hơn nữa, ương cá con trong ao ngoài trời cũng rẻ hơn, có thể ương đến giai đoạn cá lớn hơn , áp dụng cho qui mô lớn hơn. Để khác phục những nhược điểm đó, phương pháp kết hợp bao gồm giai đoạn đầu ương trong bể trong nhà, sau đó chuyển ương trong ao đất ngoài trời, được xem là tốt nhất.
Trong kĩ thuật thức ăn cho ấu trùng ương nuôi, các loại thức ăn thường dùng là trứng thụ tinh của nhuyễn thể, rotifer, Artemia, tảo đơn, copepod, cladocera, giun, thịt cá tôm. Thức ăn đầu tiên của cá phụ thuộc vào kích cỡ miệng của ấu trùng. Tỷ lệ cá chết nhiều đa số ở giai đoạn ấu trùng hơn giai đoạn cá hương. Chính vì thế, chất lượng thức ăn là rất quan trọng và đang ngày càng được phát triển. Việc giàu hóa rotifer và Artemia bằng các chế phẩm giàu axit béo cao không no HUFA là rất quan trọng trong nuôi ấu trùng biển.
Ngoài ra, một trong những khó khăn của nghề nuôi cá biển hơn so với các loài cá nước ngọt khác là ấu trùng cá biển trong qua nhiều giai đoạn lột xác, mỗi giai đoạn phải có thức ăn phù hợp, tỷ lệ ương giống của cá biển khá thấp 8 -10%.
Quy hoạch vùng nuôi
Nuôi cá biển là một trong những hoạt động quan trọng trong vùng ven biển, chính vì thế, cần được quản lí thỏa đáng trong khuôn khổ quản lí tổng hợp vùng ven biển. Các hoạt động bao gồm :
- Phân vùng nuôi phù hợp với quy hoạch chung toàn vùng và xây dựng cơ sở hạ tầng.
- Xây dựng luật, chính sách, qui chế, qui tắc quản lí vùng nuôi thủy sản bền vững và phù hợp với các luật, qui tắc của các nghành kinh tế khác.
- Giải quyết xung đột giữa các thành phần kinh tế, các hoạt động.
- Đánh giá tác động kĩ thuật, môi trường cho từng dự án phát triển nuôi biển để tránh gây tác động xấu đến kinh tế, xã hội và môi trường chung trong vùng.
Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân ngày càng muốn hướng ra biển và việc khai thác nguồn lợi cá biển tự nhiên sẽ dần cạn kiệt, vì vậy xu hướng chung của ngành nuôi cá biển cần phải phát triển mạnh hơn nữa. Vấn đề cấp bách là cần sự đầu tư của nhà nước, sự bắt tay của các nhà khoa học và người nuôi để giải quyết những vấn đề về kĩ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ, kích thích sinh sản, ương nuôi ấu trùng, dinh dưỡng và thức ăn cho cá bố mẹ và ấu trùng, phòng trị bệnh cá trong giai đoạn sản xuất giống và di truyền cá nuôi biển.