Hơn 40 vạn con giống được thả ra môi trường tự nhiên
Tại khu rừng ngập mặn tự nhiên xã Phù Long (Cát Hải), lãnh đạo Sở NN - PTNT, huyện Cát Hải, xã Phù Long và một số hộ dân tham gia thả hơn 30 nghìn cua giống ra môi trường tự nhiên. Khu vực đầm dài gần 10km, hai bên phủ kín rừng ngập mặn, là môi trường lý tưởng để các loài thủy sản như cua, hầu… sinh sống, phát triển. Ngoài những khu vực được giao khoanh làm giàn tre nuôi hầu, diện tích đầm rừng ngập mặn được nuôi thả thủy sản tự nhiên, tạo sinh kế cho người dân. Chủ tịch UBND xã Phù Long Nguyễn Hoài Giao phấn khởi cho biết: hơn 30 nghìn cua giống khỏe mạnh, bảo đảm chất lượng, qua sinh trưởng tốt khi thành cua thương phẩm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trong xã. Hoạt động này trở nên ý nghĩa hơn nhằm khắc phục sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ven biển, cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học tại rừng ngập mặn Phù Long. Hiện, khu vực rừng ngập mặn này đang được huyện Cát Hải xây dựng thành điểm du lịch sinh thái nên sự tác động đến môi trường sinh thái là khó tránh khỏi. Do vậy, những hoạt động thả giống thủy sản ra môi trường tự nhiên vừa tạo nguồn cung sản phẩm phục vụ du khách, vừa nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tránh sự khai thác hủy diệt.
Trước đó, hơn 16 vạn cá giống nước ngọt gồm: cá chép, trắm cỏ, mè trắng, rô phi, trắm đen được thả nhằm bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học tại sông Đa Độ (khu vực huyện Kiến Thụy). Theo Phó trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở NN - PTNT Đỗ Đức Trung, việc làm này có ý nghĩa thiết thực góp phần khôi phục và bảo tồn quỹ gien đối với các loài thủy sản nước ngọt trong lưu vực sông Đa Độ. Đây là con sông mang lại nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên cho nhân dân 5 huyện, quận: An Lão, Kiến An, Kiến Thuỵ, Dương Kinh, Đồ Sơn, đồng thời là nguồn lợi tự nhiên phục vụ cho các hoạt động sản xuất và dân sinh.
Vùng biển Hải Phòng là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, thường xuyên có hàng nghìn lượt tàu thuyền của bà con ngư dân từ các tỉnh miền Trung trở ra thường xuyên hoạt động khai thác thủy sản. Do vậy, mỗi dịp ra quân khai thác vụ cá Nam tổ chức thường niên vào Ngày truyền thống ngành Thủy sản hằng năm (1 - 4) tại Cát Bà, thường tổ chức thả con giống thủy sản ra vùng biển tự nhiên. Trong lễ ra quân 2015 vừa qua, hơn 22 vạn con giống thủy sản nước mặn các loại được thả ra vùng biển Cát Bà nhằm bảo tồn, phát triển quỹ gien thủy sản tự nhiên. Đây cũng là dịp phát động phong trào nhân dân tăng cường phát triển, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản.
Bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản
Thành phố Hải Phòng có diện tích mặt nước tự nhiên có khả năng phát triển nuôi thủy sản nước ngọt khá lớn với hơn 10.000 ha. Trong đó gần 6 nghìn ha được các địa phương đưa vào nuôi trồng thủy sản, song còn hơn 4 nghìn ha mặt nước lớn sông ngòi, kênh rạch - môi trường sống của các loại thủy sản, nguồn lợi lớn của nhân dân các địa phương. Trên địa bàn Hải Phòng có 126km bờ biển, 4 nghìn km2 mặt biển và quần đảo Cát Bà với gần 700 ha rừng ngập mặn phân bố chủ yếu ở Phù Long, Gia Luận, Xuân Đám, với nguồn lợi hải sản lớn, đa dạng. Theo Phó giám đốc Sở NN - PTNT Nguyễn Tự Trọng, việc thả giống thủy sản nước mặn, lợ, nước ngọt ra môi trường tự nhiên là rất cần thiết nhằm phát động phong trào toàn dân bảo vệ, tái tạo, nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản, nâng cao ý thức của người dân trong việc phát triển ngành thủy sản bền vững. Đây cũng là hoạt động thực hiện Quyết định 29/2007/QĐ-TTg ngày 28-2-2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thành lập Qũy tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và chủ trương của Bộ NN - PTNT về bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thả cua giống xuống rừng ngập mặn xã Phù Long.
Việc thả giống tái tạo và bảo vệ quỹ gien tự nhiên càng cấp thiết hơn khi một số loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, các hệ sinh thái thủy sinh tại nhiều nơi đang bị phá hủy, sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác tác động làm suy giảm nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản, môi trường sinh thái bị ô nhiễm… Điều quan trọng hơn là sau những đợt thả con giống ra môi trường tự nhiên, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn những hành vi khai thác tận diệt, xâm hại môi trường. Chính quyền và đoàn thể các xã sớm tổ chức các đợt tuyên truyền để tạo sinh kế bền vững, giúp người dân được hưởng lợi từ chính nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Từ đó, nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ môi trường, nói “không” với việc dùng kích điện, cũng như hoạt động khai thác trái quy định phản khoa học, xâm hại môi trường, hủy hoại nguồn lợi thủy sản.