Huyện Tam Đường - Địa phương đi đầu về nuôi cá nước lạnh
Tại huyện Tam Đường, cá nước lạnh được nuôi tập trung chủ yếu tại các xã Sơn Bình, Hồ Thầu và Khun Há. Các hộ chăn nuôi chủ động áp dụng phương thức thâm canh trong chăn nuôi cá nước lạnh với 342 bể có diện tích 16.504 m2. Nhờ nuôi cá đúng kỹ thuật, mỗi năm, sản lượng cá xuất bán ra thị trường của Tam Đường đạt hơn 300 tấn cá thịt. Mỗi tập thể, cá nhân tự đầu tư vốn, con giống, thức ăn nuôi cá theo hướng hàng hóa. Đây được xem là nguồn thu ổn định giúp bà con nơi đây nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn.
Điển hình như trại nuôi cá tầm, cá hồi Đoàn Hương ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường có 23 bể to và 20 bể con với khoảng bốn vạn con cá bao gồm cá thương phẩm và cá giống. Tuy nhiên, với thị trường tiêu thụ rộng lớn ngày nay, cá xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Theo phòng NN&PTNT huyện Tam Đường, huyện đang tập trung rà soát lại hiện trạng cá nước lạnh trên địa bàn, tổ chức quy hoạch những điểm có khả năng nuôi cá nước lạnh trong thời gian tới. Trong đó ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm phòng, chống thiên tai đối với các сơ sở. Đồng thời huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, mời gọi các cá nhân, tổ chức vào khảo sát đầu tư phát triển cá nước lạnh trên địa bàn huyện.
Huyện Tam Đường nói riêng, Lai Châu nói chung có lợi thế tiềm năng về nguồn nước, khí hậu dễ nuôi cá nước lạnh (nhất là cá tầm sẽ phát triển tốt hơn vì nhiệt độ của địa phương từ 18 - 24 độ C). Trong đó, tiềm năng nuôi cá trên bể của tỉnh được tập trung ở các khe suối như: suối Nậm De, suối Nậm Tàng, Nậm Mò, Nà Đa, Thèn Thảo Hồ và suối Huổi Hồ, trong đó tập trung ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, than Uyên và Mường Tè. Ngoài ra, tỉnh còn có tiềm năng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện.
Mô hình nuôi cá hồi, cá tầm của Hợp tác xã chăn nuôi cá nước lạnh Tam Đường trên địa bàn xã Hồ Thầu đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Điều này không chỉ có lợi ích về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường khi người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, nguồn nước. Tin tưởng, với sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế của Hợp tác xã cùng với sự chăm chỉ, cần mẫn của những người nông dân nơi đây, mô hình nuôi cá nước lạnh sẽ gặt hái thêm nhiều thành công, nhiều hộ dân trên địa bàn xã mạnh dạn phát triển chăn nuôi, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Nuôi cá nước lạnh giúp nguồn thu nhập của bà con được nâng cao. Ảnh: laichau.gov.vn
Khó khăn
Quá trình phát triển nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng gặp khó khăn nhất định như: địa hình đồi núi dốc, thiếu mặt bằng để xây dựng, đầu tư lớn, chưa kể giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển vật tư đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Để lấy được nguồn nước tại các khe suối, các khu vực nuôi thường gặp rủi ro rất lớn khi lũ ống, lũ quét tràn về, dễ phát sinh thất thoát tài sản cho người nuôi.
Thêm vào đó, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, hạn hán,…đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình lấy nước vào các bể nuôi; làm giảm sức đề kháng của cá, cá chết do nhiệt độ tăng cao, thiếu ôxy, dịch bệnh...
Vì vậy, để khắc phục khó khăn, trong thời gian tới Lai Châu tiếp tục tạo mới điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận được với các chính sách, rà soát, đánh giá lại các chính sách hỗ trợ để đưa ra các chính sách giải quyết phù hợp từng đối tượng, theo các nguồn vốn chương trình chính sách. Tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất giống cá nước lạnh.
Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến sâu nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh.