Theo đó, ngày 04/01/2017, Tổng cục Thủy sản đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về lĩnh vực thả giống phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm mục đích nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của tăng ni, phật tử và người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sản ngoại lai xâm hại ra môi trường; chủ động cung cấp và vận động tăng ni, phật tử, người dân thả phóng sinh những giống thủy sản hữu ích cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội.
Chủ động phối hợp với giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, nội dung hoạt động và tổ chức thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí và huy động nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp, các phật tử và cộng đồng dân cư để tổ chức hoạt động phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Để hoạt động phóng sinh và thả giống tái tạo các loài thủy sản đạt kết quả cao (đặc biệt vào ngày 13 tháng Chạp, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy và ngày truyền thống ngành thủy sản – ngày 01/4 dương lịch) cũng như triển khai có hiệu quả các nội dung của Bản ghi nhớ hợp tác, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung sau:
- Hướng dẫn các tăng ni, phật tử và cộng đồng dân cư không thả các loài thủy sinh ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại môi trường, ưu tiên lựa chọn phóng sinh, tái tạo thả giống các loài thủy sản trước khi thả và cách thức thả phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản đạt hiệu quả cao; thu gom túi nilon, rác thải tại các thủy vực, ven bờ và sau khi thả giống phóng sinh nhằm bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến kiến thức pháp luật cho các tăng ni phật tử và cộng đồng dân cư về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường; áp dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp với thực tiễn, tập quán của từng địa phương và từng nhóm đối tượng. Vận động người dân không khai thác, đánh bắt các loài thủy sản ngay sau thời điểm thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong và sau thời điểm thả giống tái tạo, phóng sinh các loài thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt với các hành vi sử dụng các biện pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, sử dụng các ngư cụ cấm, nghề cấm và khai thác các loài trong danh mục cấm.