PHÁT HIỆN CHẤT CẤM
Thời gian qua, việc một số người thu mua, chế biến ruốc ở phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) dùng phẩm màu để nhuộm ruốc là có thật. Bà Nguyễn Thị Lào ở khu phố Phước Hậu, phường Xuân Đài, cho biết: “Gia đình tôi chế biến ruốc khô và mắm ruốc từ trước đến nay. Tuy nhiên, việc dùng phẩm màu nhuộm ruốc chỉ có trong thời gian gần đây và còn tùy thuộc người mua có yêu cầu hay không. Đa số khách hàng mua số lượng nhiều ở các tỉnh ven biển thì họ yêu cầu không bỏ màu vào ruốc, còn những người mua số lượng ít (3-5kg) để bán lại tại các địa phương miền núi thì họ yêu cầu nhuộm màu cho con ruốc đẹp hơn”. Theo ông Ngô Văn Nhàn ở khu phố Tân Thạnh, việc chế biến ruốc chủ yếu là do vợ ông - bà Trần Thị Ngon đảm trách. Ông Nhàn biết việc bà Ngon dùng phẩm màu để nhuộm ruốc, nhưng chỉ nhuộm những lô ruốc có màu sắc trắng nhợt do đánh bắt lâu ngày trên biển.
Ngư dân chuyển ruốc đi tiêu thụ - Ảnh: A.NGỌC
Ngày 25/3, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm ruốc ở phường Xuân Đài. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra không phải là mùa đánh bắt ruốc nên các cơ sở, hộ gia đình sản xuất này không còn sản phẩm ruốc nhuộm màu và cũng không còn phẩm màu dùng để nhuộm ruốc nên cơ quan chức năng không thể lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Theo bà Nguyễn Thị Lào và Nguyễn Thị Kéo ở khu phố Phước Hậu, người dân ở đây thường dùng 3 loại bột màu để nhuộm ruốc. Trong đó, màu đỏ dùng để nhuộm ruốc khô, màu đỏ gạch và màu đỏ cánh sen dùng để nhuộm ruốc làm mắm. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã nhờ họ mua giúp các loại bột màu này và gửi 3 mẫu đến Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực miền Trung thuộc Viện Pasteur Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để kiểm tra.
Ông Đặng Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết: Chi cục vừa nhận được kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu phẩm màu nói trên. Theo đó, mẫu bột màu đỏ gạch Sunset yellow FCF (E110), Ponceau 4R (E124) và mẫu bột màu đỏ Ponceau 4R (E124) là hai loại phẩm màu nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm có chức năng làm phẩm màu được phép sử dụng. Riêng mẫu bột màu đỏ cánh sen Rhodamine B là loại phẩm màu không được phép sử dụng.
Theo một số người thu mua, chế biến ruốc ở phường Xuân Đài (TX Sông Cầu), ba loại bột phẩm màu này dùng để nhuộm ruốc - Ảnh: A.NGỌC
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, KIỂM TRA
Theo ông Đặng Phúc, Nghị định 178 ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng; phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại. Tuy nhiên, chi cục không thể xử lý vi phạm hành chính các hộ dân sử dụng phẩm màu để nhuộm ruốc ở phường Xuân Đài vì không có cơ sở pháp lý do không bắt được quả tang.
Mới đây, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lân sản và thủy sản phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức chung về an toàn thực phẩm; các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam; hướng dẫn người dân áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm trong khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển, sơ chế, chế biến thủy sản tại phường Xuân Đài và một số địa phương khác. Các cơ quan chức năng cũng phối hợp với Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, UBND phường Xuân Đài tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc nhuộm ruốc, để người dân tự giác chấp hành, tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm. Đồng thời chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử phạt các hành vi không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Y tế, Rhodamine B là một hợp chất hóa học có cấu tạo phân tử là C28H31ClN2O3, đây là một thành phần của phẩm màu công nghiệp. Rhodamine B gây độc cấp và mãn tính. Qua tiếp xúc, nó gây dị ứng hoặc làm mẩn ngứa da; qua đường hô hấp, nó gây ho, ngứa cổ, khó thở, đau ngực; qua đường tiêu hóa, nó gây nôn mửa, có hại cho gan và thận. Nếu tích tụ dần trong cơ thể, nó gây nhiều tác hại đối với gan, thận, hệ sinh sản, hệ thần kinh cũng như có thể gây ung thư. Rhodamine B là loại phẩm màu bị cấm sử dụng trong thực phẩm.