Theo báo cáo, thực hiện khuyến nghị của EC, tính đến ngày 31/8, số lượng tàu cá cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15m trở lên, đạt 80,61%. Tuy nhiên, có thực trạng là rất nhiều tàu khi ra khơi đã gỡ thiết bị giám sát bỏ xuống biển, còn tàu thì di chuyển ra địa điểm khác để đánh bắt.
Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 57 vụ với 92 tàu cá của Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Đa số tàu cá vi phạm là ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu… Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm tới 53 vụ nhưng theo Bộ NN&PTNT, việc ngăn chặn tình trạng này còn phức tạp và không bền vững.
Kết quả đánh giá vào tháng 6 của EC cho thấy, Việt Nam vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực nhưng điều cần làm hiện nay là việc xử lý vi phạm. Hơn 80% tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng trung bình mỗi ngày, các lực lượng chức năng vẫn phát hiện 90 tàu mất tín hiệu thường xuyên, 705 tàu mất tín hiệu trên 10 ngày, 190 tàu vi phạm vượt ranh giới.
Theo quy định, trước ngày 1/1/2020, tất cả tàu cá phải thực hiện việc đánh dấu, tàu vùng bờ màu xanh, vùng lộng màu vàng và vùng khơi màu ghi xám. Đây là điều kiện thuận lợi cho các lực lượng kiểm tra trên biển thực hiện nhiệm vụ nhưng đến nay vẫn còn 20% tàu cá chưa thực hiện.
Dự kiến cuối tháng 10, phía EC sẽ có cuộc họp trực tuyến để đánh giá về kết quả thực hiện tháo gỡ thẻ vàng của Việt Nam.