Nghiên cứu mới đây từ ông Phạm Minh Truyền và cộng sự năm 2021 nhằm tìm ra giai đoạn phù hợp bổ sung đường cát để đảm bảo tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống sót của tôm càng xanh trong giai đoạn ấu trùng và hậu ấu trùng theo công nghệ biofloc.
Nghiên Cứu Ảnh Hưởng Bổ Sung Đường Cát Các Giai Đoạn Khác Nhau Đến Tăng Trưởng và tỷ Lệ Sống của Ấu Trùng Tôm Càng Xanh.
Thí nghiệm được bố trí gồm 4 nghiệm thức có thể tích 0,5 m3, mật độ 60 con/lít, độ mặn 12‰, bổ sung đường cát qua các giai đoạn:
(i) Từ giai đoạn 2
(ii) Từ giai đoạn 4
(iii) Từ giai đoạn 6
(iv) Từ giai đoạn 8 của ấu trùng.
Kết quả cho thấy mật độ tổng vi khuẩn trong tôm thấp nhất ở nghiệm thức bổ sung đường cát từ giai đoạn 2 (14,8×104 CFU/g) không khác biệt so với nghiệm thức bổ sung đường cát từ giai đoạn 4 nhưng khác biệt so với 2 nghiệm thức còn lại.
Mật độ vi khuẩn Vibrio trong tôm ở các nghiệm thức dao động từ 11,5 đến 40×102 CFU/g. Cao nhất ở nghiệm thức bổ sung đường cát từ giai đoạn 8 (40×102 CFU/g) khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với nghiệm thức bổ sung đường cát từ giai đoạn 2 (11,5×102 CFU/g) và nghiệm thức bổ sung đường cát từ giai đoạn 4 (20×102 CFU/g) và khác biệt không có ý nghĩa (p<0,05) ở nghiệm thức bổ sung đường cát từ giai đoạn 6 (27,4×102 CFU/g). Mật độ vi khuẩn Vibrio có xu hướng tăng về giữa thời gian ương càng về cuối mật độ giảm dần do có sự cạnh tranh dinh dưỡng và kìm hãm bởi các loại vi khuẩn có lợi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số biến thái của ấu trùng sau 21 ngày ương (10,70±0,10), chiều dài của postlarvae 15 (11,4±0,1 mm) ở nghiệm thức bổ sung đường cát từ giai đoạn 4 khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại.
Tỷ lệ sống (55,3±1,9%) và năng suất (33.160±1.153 con/m3) của postlarvae 15 ở nghiệm thức bổ sung đường cát từ giai đoạn 4 khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) so với nghiệm thức bổ sung đường cát từ giai đoạn 6, nhưng khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại.
Tỷ lệ sống của tôm trong thí nghiệm tương đối cao là nhờ các yếu tố môi trường trong quá trình ương luôn được kiểm soát tốt, đồng thời các hạt biofloc lơ lửng trong nước là nhân tố chính hạn chế sự ăn nhau của tôm.
Bổ sung đường cát ở giai đoạn 2 (ngày thứ 2 bố trí tôm) sớm quá làm ảnh hưởng đến ấu trùng, còn bổ sung ở giai đoạn 8 trễ quá làm cho TAN, NO2- và mật độ vi khuẩn cao làm cho tỷ lệ sống và năng suất thấp ở 2 nghiệm thức này. Do đó, ương ấu trùng tôm càng xanh theo công nghệ biofloc nên bổ sung đường cát từ giai đoạn 4 là tốt nhất. Kết quả từ nghiên cứu góp phần hoàn thiện qui trình ương ấu trùng tôm càng xanh bằng công nghệ biofloc để ứng dụng vào thực tế sản xuất.