Sản lượng tôm càng xanh toàn cầu năm 2020 đã vượt qua con số 600.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và một số quốc gia Nam Mỹ. Điều này cho thấy nghề nuôi tôm càng xanh đang có khá nhiều tiềm năng trong thời gian sắp tới. Mặc dù đã được nuôi thâm canh từ những năm 1980 nhưng với sự thâm canh hóa các mô hình nuôi nhiều năm gần đây, nghề nuôi tôm càng xanh đã và đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng.
Tương tự như với các loài thủy sản được nuôi thâm canh khác, việc nuôi tôm càng xanh ở mật độ cao khiến cho các nguy cơ về dịch bệnh, môi trường và tỷ lệ sống của tôm ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp cho các mô hình nuôi tôm càng xanh cũng được cho là tốn kém và không cải thiện quá nhiều cho năng suất tăng trưởng của loài này do chúng vẫn giữ các tập tính săn mồi tự nhiên.
Trong bối cảnh đó, nhiều phương nuôi an toàn, tiết kiệm đã được nghiên cứu áp dụng để giải quyết các vấn đề trên. Biofloc (BFT) là một công nghệ đang được áp dụng rộng rãi không chỉ trên tôm càng xanh mà còn trên nhiều đối tượng nuôi khác do các kết quả tích cực về năng suất và tính bền vững. Tuy nhiên, một vấn đề cố hữu với BFT là việc kiểm soát tỷ lệ C/N sao cho chỉ số này ở ngưỡng phù hợp cho sinh trưởng và an toàn của ĐVTS và đồng thời cũng là quần thể vi sinh trong BFT.
Hệ thống Biofloc loại bỏ chất thải chuyển hóa từ hệ thống sản xuất thủy sản. Ảnh RAS Aquaculture
Một nghiên cứu mới đây của Julie Ekasari và cộng sự được đăng tải trên tạp chí Aquaculture International đã đưa ra một giải pháp về việc kiểm soát tỷ lệ C/N trong mô hình nuôi tôm càng xanh bằng BFT thông qua việc bổ sung tảo lục Chlorella sp. Thí nghiệm được thiết kế bao gồm 4 nghiệm thức lần lượt là: 1) Hệ thống nước thông thường với tỷ lệ thay nước 50% mỗi hai tuần (ĐC); 2) Hệ thống nước thông thường có bổ sung tảo lục Chlorella sp với tỷ lệ thay nước 50% mỗi hai tuần (Chlo); 3) Hệ thống nước Biofloc không bổ sung tảo lục (Bio) và 4) Hệ thống nước Biofloc được bổ sung tảo lục Chlorella sp (Bio/Chlo). Tôm càng xanh thí nghiệm được lựa chọn ở cỡ 0.25 g/con và được đưa vào các bể 100L với mật độ 50 con/bể. Tôm được cho ăn thức ăn có hàm lượng protein 41% trong 60 ngày, với 30 ngày đầu lượng cho ăn là 15% trọng lượng tôm và giảm còn 10% trong 30 ngày kế tiếp.
Kết quả thí nghiệm đã chỉ ra rằng tôm càng xanh được nuôi trong Bio/Chlo cho lại hiệu quả tăng trưởng đáng kể khi so sánh với các hệ thống còn lại. Bên cạnh đó, việc bổ sung tảo lục cũng làm tăng sinh khối và kích thước flocs. Hơn nữa, hàm lượng dinh dưỡng của flocs cũng được tăng lên đáng kể ở các chỉ tiêu về protein, lipid và đặc biệt là betacaroten. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì hệ thống Chlo và Bio lại cho lại kết quả tích cực hơn về tỷ lệ acid béo và amino acid tìm thấy trong flocs. Tỷ lệ C/N trong thí nghiệm được duy trì dao động ở mức 6,25. Việc bổ sung các loại vi tảo trong BFT đã được nhiều nghiên cứu trước đây đề cập đến.
Các loại vi tảo có khả năng thúc đẩy quá trình hình thành flocs, và đồng thời cũng có thể làm gia tăng kích cỡ flocs thông qua sự gắn kết của các tế bào vi tảo xung quanh huyền phù của flocs. Sự tương tác giữa vi khuẩn và vi tảo trong BFT chủ yếu liên quan đến trao đổi chất dinh dưỡng như vitamin B12, nitơ, cacbon và Fe. Các nghiên cứu trước đây báo cáo rằng sự hiện diện của một số loài vi tảo kết hợp với các tổ hợp vi sinh vật đã ảnh hưởng đến thành phần dinh dưỡng của flocs.
Như vậy, có thể thấy rõ việc bổ sung tảo lục trong BFT giúp cho sinh khối flocs tăng lên đáng kể và qua đó giúp cải thiện sự tăng trưởng cho tôm càng xanh. Tuy nhiên, khi đi sâu vào một số chỉ tiêu dinh dưỡng đặc thù thì vẫn đang còn chưa đạt được kết quả mong muốn. Điều này khuyến khích các nghiên cứu tiếp theo có thể tìm ra được các giải pháp liên quan.