Đây là một trong những hoạt động “Hỗ trợ phát triển mô hình Rừng-Tôm” của dự án “Khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm phát thải ở Cà Mau (gọi tắt là dự án MAM-RSCIP). Buổi tập huấn có 53 học viên tham dự. Các học viên là các tổ trưởng và tổ phó của 27 nhóm nông dân, các trưởng các ấp, cán bộ ban quản lý rừng và cán bộ UBND xã.
Với phương pháp “lấy học viên làm trung tâm”, hai báo cáo viên là Thạc sĩ Đỗ Quang Tiền Vương và Thạc sĩ Thân Thị Hiền đã hướng dẫn các học viên kiến thức về nuôi tôm rừng hiệu quả và kỹ năng điều hành, quản lý Tổ nhóm. Thạc sĩ Đỗ Quang Tiền Vương hướng dẫn cách chọn tôm giống, nhận biết tôm bệnh, quản lý nước, ao nuôi… để đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm thiệt hại... Bài giảng của Thạc sĩ Thân Thị Hiền về kỹ năng điều hành nhóm, giải quyết xung đột và lập kế hoạch… rất thu hút học viên lớn tuổi bằng cách kết hợp lý thuyết với các ví dụ thực tế, các bài tập là các trò chơi vận động phù hợp, có thưởng ... nhằm nâng cao nhận thức, kinh nghiệm tổ chức và điều hành Tổ nhóm cho các tổ trưởng, tổ phó nhóm nông dân.
Theo Thạc sĩ Thân Thị Hiền – Phó giám đốc MCD, sắp tới MCD sẽ phối hợp với SNV và UBND 4 xã vùng dự án triển khai nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo các kiến thức xã hội về nuôi tôm sinh thái, các kỹ năng về quản lý nhóm nông hộ, lập kế hoạch… hướng tới phát triển một số nhóm nông dân vùng dự án hình thành Tổ hợp tác nuôi tôm rừng và duy trì phát triển của các Tổ hợp tác này.
Kết thúc buổi tập huấn, Ban tổ chức đã trao 53 giấy chứng nhận cho các học viên trong không khí trang trọng, nhiều niềm vui và phấn khởi. 53 học viên sẽ là 53 hạt nhân, 53 tuyên truyền viên để hỗ trợ tích cực cho phát triển cộng đồng người dân nuôi tôm rừng ở xã Viên An Đông.
Hiệu quả mong đợi của dự án MAM-RSCIP là nâng cao sự công bằng và hiệu quả của cơ chế thị trường thông qua cải thiện chuỗi giá trị và giới thiệu liên kết giữa những nhà xuất khẩu, nhập khẩu. Thúc đẩy các mô hình nuôi tôm Thực hành quản lý tốt hơn (BMP) hoặc/và chứng nhận các tiêu chuẩn phù hợp hơn với đòi hỏi thị trường. Hoạt động nhóm nông hộ góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Dự án MAM-RSCIP triển khai tại 4 xã Viên An Đông (BQLRPH Nhưng Miên), Viên An và Đất Mũi (BQLRPH Đất Mũi) – huyện Ngọc Hiển; Tam Giang Đông (BQLRPH Tam Giang 1)- huyện Năm Căn. Thời gian thực hiện đến tháng 12 năm 2014./.