Ngoài việc tích cực vận động ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển thêm 3 cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ từ 400 CV trở lên, theo Thông tư 26/2014/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kết quả, 100% tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67 của Chính phủ đều do đơn vị đóng tàu trong tỉnh đảm nhận, vừa đáp ứng được nhu cầu lại tạo thêm được công việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Đến thời điểm này, ngân hàng đã giải ngân cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 trên địa bàn đạt gần 110 tỷ đồng trong số 151 tỷ đồng đã ký hợp đồng cho vay với số lượng 14 tàu gỗ, 1 tàu vỏ sắt và 3 tàu hậu cần. Từ nay đến cuối năm, trước khi kết thúc chương trình cho vay, ngân hàng sẽ giải ngân toàn bộ số vốn đã ký hợp đồng. Nếu khách hàng có thêm nhu cầu, chúng tôi sẽ xem xét thẩm định cho vay đến 31/12/2017".
Về khả năng trả nợ của ngư dân, theo ông Nguyễn Văn Bình, để thu hồi vốn tốt, đơn vị khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm sau mỗi chuyến đi biển để tích luỹ dần. Từ tài khoản tích luỹ đó, khi đến hạn thu nợ, ngân hàng sẽ trừ dần. Như vậy, khách hàng vừa có tiền trả nợ, vừa có vốn, vừa có lãi, nhưng ngư dân làm theo cách này chưa nhiều.
Ông Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang là chủ tàu đóng mới theo Nghị định 67 đầu tiên của tỉnh cho biết, tàu có trị giá trên 7 tỷ đồng giúp hoạt động đánh bắt xa bờ dài ngày, hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm đánh bắt từ 8-10 chuyến, hầu như chuyến nào cũng cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên.
Ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận, chủ tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, có được chiếc tàu công suất lớn, an toàn trong quá trình khai thác xa bờ, hiệu quả đánh bắt rõ rệt. Sau hơn một năm kể từ ngày hạ thủy, đến nay tàu của ông đã thực hiện 10 chuyến đánh bắt từ 100 hải lý trở ra, mỗi chuyến đều thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, yếu tố thành công trong đánh bắt xa bờ của Thừa Thiên - Huế là nhờ tàu công suất lớn, ngư cụ đa dạng và hiện đại, có hầm bảo quản tốt, nên mỗi chuyến ra khơi có thể kéo dài từ 10 đến 20 ngày.
Nhờ vậy, đến hết tháng 9/2017, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 40.166 tấn, trong đó, sản lượng hải sản khai thác biển ước đạt 28.777 tấn, tăng 19,7% so với cùng kỳ.