Ông Trần Quang Đảo, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Miền Đông (ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng) cho biết, từ năm 2012 trở về trước, ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu trong nước phát triển mạnh. Nhiều ngư dân, doanh nghiệp làm giàu nhờ con cá tra. Riêng ở Tây Ninh, nghề nuôi cá tra phát triển muộn, nhỏ lẻ, chủ yếu là nuôi trong ao nhà để cung cấp cá cho các chợ. Trong khi lưu vực thượng nguồn sông Sài Gòn (chủ yếu đi qua hai xã Đôn Thuận, Hưng Thuận thuộc huyện Trảng Bàng) có lợi thế sẵn có để phát triển nghề nuôi thuỷ sản- nhất là cá tra nhưng chưa được tận dụng.
Sau khi có nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty Miền Đông, ngoài vùng nguyên liệu hơn 30 ha của công ty, khu vực này có thêm một số hộ nuôi cá tra nhưng diện tích không đáng kể. Và cho đến nay, đây là doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh hoạt động nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu. Sau nhiều năm nỗ lực duy trì, hiện doanh nghiệp này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào giá thị trường và nguồn nguyên liệu.
Cũng theo ông Đảo, hoạt động chế biến cá tra xuất khẩu là bắt buộc cá nguyên liệu chỉ được nuôi trong bán kính tối đa 40km quanh nhà máy nhằm bảo đảm con cá khi đưa vào chế biến phải tươi, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Do đó, việc phát triển vùng nguyên liệu phải đồng bộ, gần khu vực đặt nhà máy. Ở những nơi xa hơn, cho dù có nhiều cá tra đạt chất lượng thì nhà máy cũng không thể tiêu thụ được.
Suốt hơn 5 năm qua, giá cá tra xuất khẩu, cá tra nguyên liệu trên thị trường giảm mạnh, biến động bất thường khiến người nuôi cá lỗ nặng nên chẳng còn mấy người ở khu vực quanh nhà máy của Công ty Miền Đông còn đủ nhẫn nại và vốn liếng để tiếp tục nuôi. Để không phải đóng cửa nhà máy, Công ty Miền Đông phải cố gắng “tự sản tự tiêu” bằng việc mở rộng diện tích nuôi cá tra làm nguyên liệu. Nhà máy có công suất chế biến tối đa 80 tấn cá nguyên liệu/ngày nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay, lúc cao điểm cũng chỉ “chạy” chưa tới 40% công suất, còn lại hầu hết thời gian chỉ “được” tiêu thụ khoảng 10 - 15 tấn cá nguyên liệu/ngày. Với tổng diện tích ao nuôi hơn 30 ha, lượng cá tra nguyên liệu mỗi năm công ty thu hoạch được chỉ đủ để nhà máy hoạt động “cầm chừng”.
Dù gặp khó khăn nhưng đây cũng là đơn vị đầu tiên ở Tây Ninh nỗ lực nuôi thuỷ sản đạt chứng nhận GAP đối với sản phẩm cá tra nguyên liệu. Bình quân, mỗi ha ao nuôi cá cho 3 vụ thu hoạch trong 2 năm, năng suất bình quân 300 - 400 tấn/vụ tuỳ theo mật độ thả và chất lượng nuôi.
Đáng chú ý là từ đầu năm 2018 đến nay, giá cá tra đã tăng trở lại. Nếu như năm 2017, giá cá tra chỉ ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg thì sang năm 2018, mức giá luôn nằm ở ngưỡng trên dưới 30.000 đồng/kg. “Với mức giá này thì người nuôi có lãi, có điều kiện tái sản xuất cho vụ tiếp theo. Những năm trước, chi phí nuôi tăng liên tục, nhất là chi phí thức ăn nhưng giá cá không tăng hoặc giảm nên nhiều người ngừng nuôi. Hy vọng mức giá cá nguyên liệu hiện nay được duy trì thì người nuôi cá tra cũng như doanh nghiệp có cơ hội hồi phục”, ông Đảo nói.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty Miền Đông.
Dù giá cá tra tăng đáng kể từ đầu năm nhưng theo lãnh đạo UBND các xã Đôn Thuận, Hưng Thuận, người nuôi cá tra trước đây ở địa phương vẫn “án binh bất động” với thái độ cảnh giác. “Họ sợ giá cá biến động thất thường nên thà bỏ ao trống, hoặc nuôi cá tạp chứ không dám liều nuôi cá tra nữa. Nếu giá cá tra xuống thấp, người nuôi lỗ vốn rất nặng nề, bởi chi phí đầu tư nuôi cá tra rất lớn”- một cán bộ UBND xã Đôn Thuận nói.
Cũng theo vị cán bộ trên, nếu ngành chức năng làm tốt công tác thông tin thị trường, định hướng phát triển và hỗ trợ kỹ thuật thì nông dân, ngư dân sẽ yên tâm hơn trong việc xác định đầu tư nuôi cá tra. Như hiện nay, giá cá tra tăng đáng kể nhưng nhiều người vẫn không dám nuôi là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, không có gì làm bảo đảm giá cá tra sẽ ổn định ở mức có lợi cho người nuôi trong thời gian tới nên nhiều người không dám mạo hiểm là đương nhiên.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 thì diện tích nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020 là 3.450 ha; tổng sản lượng đến năm 2020 đạt 69.890 tấn (thuỷ sản nuôi trồng đạt 65.290 tấn, thuỷ sản khai thác đạt 4.600 tấn/năm, chủ yếu là cá). Trong đó, sản lượng cá tra rất lớn: đến năm 2020 đạt từ 25.000 đến 50.000 tấn. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh đạt được khoảng 27 triệu USD vào năm 2020.
Theo quy hoạch, địa điểm bố trí các phân xưởng của nhà máy chế biến gắn với 4 vùng nuôi cá tra tập trung: 1 phân xưởng ở xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu); 1 phân xưởng ở xã Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu); 1 phân xưởng ở Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) và 1 phân xưởng ở Bùng Binh (huyện Trảng Bàng).
Quy hoạch đề xuất vùng nuôi cá tra chủ yếu ở 4 khu vực tập trung và nuôi rải vụ trong năm: 150 ha ở xã Tiên Thuận (phía Tây sông Vàm Cỏ Đông); 100 ha ở xã Lộc Ninh (ven kênh Đông); 150 ha ở Bàu Đồn (ven kênh Đông); 100 ha ở Bùng Binh (khu vực giữa kênh Đông và sông Sài Gòn).