Thoát nghèo
Ông Trần Văn Tư (ấp Phước An, xã Phước Ninh) cho biết, gia đình ông sống ven lòng hồ Dầu Tiếng từ năm 1979. Sau nhiều năm lam lũ mà vẫn không khá nổi từ việc đánh bắt cá trong hồ, năm 2009 gia đình ông quyết định chuyển sang nuôi ba ba. Đợt đầu tiên, ông Tư đi vay mượn, thả 2.000 con ba ba giống. Sau 16 tháng, ông thu hoạch lãi được khoảng hơn 50 triệu đồng. Đợt kế tiếp, ông Tư thả 3.000 con giống, khi thu hoạch cho lãi khoảng 200 triệu đồng. Đợt 3, nuôi 5.000 con trong diện tích ao nuôi 1.000m2. Đến nay, lứa ba ba này đã được hơn 12 tháng, phát triển tốt và dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối năm nay. “Tôi nhẩm tính có khoảng 3 tấn rưỡi ba ba thương phẩm. Với mức giá như đợt rồi thì tôi sẽ có lãi đáng kể”, ông Tư hồ hởi nói.
Theo ông Phan Văn Ngươn - Chủ tịch Hội Nông dân H.Dương Minh Châu, nếu thị trường ổn định, thì nghề nuôi ba ba rất cần được quan tâm phát triển. Bởi vì với diện tích đất (đào ao) nhỏ, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán, với diện tích 200m2/ao, trong 24 tháng nuôi ba ba, người dân có lãi từ 200-250 triệu đồng, rất cao so với nhiều thu nhập từ nuôi trồng các loài cây, con khác. Nhờ nuôi ba ba mà nhiều hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ khá giả lên trông thấy.
Một thuận lợi cho người nuôi ba ba là do Phước Ninh và Phước Minh gần hồ Dầu Tiếng nên nguồn thức ăn cho ba ba dồi dào (cá đánh bắt trong hồ) và giá tương đối thấp hơn nơi khác. Đồng thời, điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước thuận lợi, rất thích hợp cho ba ba sinh trưởng.
Người nuôi ba ba phải đăng ký
Theo ông Lê Văn Khải-Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh, trong một số văn bản của Bộ NN-PTNT thì ba ba thương phẩm được phép nuôi, tiêu thụ. Tuy nhiên, một số văn bản hướng dẫn có liên quan thì người nuôi ba ba phải liên hệ với cơ quan kiểm lâm để đăng ký, “lập hồ sơ” nguồn gốc cho số ba ba nuôi để việc tiêu thụ được thuận lợi.
Quy định trên đã khiến người nuôi ba ba băn khoăn. Một người dân nói: “Nhờ nuôi trồng thủy sản mà nhiều người thoát nghèo, trở nên khá giả thì chắc chắn nhà nước phải mừng. Tuy nhiên, hiện nhiều người nuôi ba ba như chúng tôi đang hồi hộp, vì khi đưa đi tiêu thụ rủi bị kiểm lâm phát hiện tịch thu thì chỉ có nước phá sản. Ai cũng nghĩ rằng con ba ba mà chúng tôi nuôi hoàn toàn là loài thủy sản, chứ có phải bắt trên rừng về đâu mà gọi là lâm sản. Hơn nữa, rừng nào ở Tây Ninh còn hàng chục ngàn con ba ba?”.
Trong khi đó, ông Tạ Văn Đáo- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết, theo quy định thì người nuôi ba ba phải đăng ký. Việc đăng ký cũng đơn giản, không mất nhiều thời gian. Hộ nuôi ba ba cần đến liên hệ với hạt kiểm lâm huyện để được hướng dẫn đăng ký mà không phải đóng bất kỳ khoản phí nào. Sau đó, cán bộ kiểm lâm sẽ xuống trại nuôi kiểm tra, xác nhận và cấp giấy đăng ký theo quy định. “Ngành kiểm lâm không bắt buộc, không gây khó dễ cho người nuôi ba ba mà tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế từ việc nuôi loài động vật này. Tuy nhiên, nếu không đăng ký, quá trình tiêu thụ ba ba của người dân có thể sẽ gặp khó khăn nếu cơ quan chức năng kiểm tra số ba ba đang trên đường đưa đi tiêu thụ mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc”, ông Đáo nói.
Theo tìm hiểu tại Quyết định 57 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ngày 2.5.2008 về việc ban hành danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh nêu rõ 3 loài ba ba gồm: ba ba gai, ba ba hoa và ba ba Nam bộ (người dân Tây Ninh có nuôi). Trong khi đó, theo ngành kiểm lâm thì tại Thông tư 47 của Bộ NN-PTNT thì ba ba là động vật rừng buộc phải đăng ký.