Theo quy hoạch, đến năm 2020 diện tích nuôi tôm càng xanh của tỉnh này lên đến 6.000ha, sản lượng đạt 9.600 tấn. Ấy nhưng, thực tế 5 năm qua (2013 - 2017), diện tích nuôi và sản lượng tôm càng xanh ở Đồng Tháp ngày càng giảm.
Năm 2013 diện tích nuôi cao nhất (1.133ha), đạt 87,15% kế hoạch năm và gần 19% trên dự kiến quy hoạch đến năm 2020. Song đến năm 2017, diện tích nuôi giảm mạnh, chỉ còn trên 248ha, đạt 24,8% kế hoạch năm và 4% quy hoạch đến năm 2020.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, nguyên nhân là do: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (nắng nóng kéo dài, những năm gần đây nước lũ nhỏ và về muộn, chất lượng nước không tốt) đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tôm, năng suất ngày càng giảm (từ 1,5 tấn/năm 2011 giảm còn 1 tấn/năm 2017); thu hoạch tôm thường tiến hành đồng loạt khi lũ rút (để gieo trồng vụ lúa đông xuân) nên dễ bị thương lái ép giá.
Mặt khác, vài năm gần đây, tại một số tỉnh ven biển (Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre…) nuôi tôm càng xanh ở vùng nước lợ, với hình thức nuôi bán thâm canh phát triển nhanh do chi phí đầu tư thấp, chất lượng tôm cao khiến việc tiêu thụ tôm càng xanh ở Đồng Tháp ngày càng khó khăn. Thực trạng này khiến một số địa phương thuộc tỉnh Đồng Tháp đề xuất giảm diện tích nuôi tôm càng xanh xuống còn 2.188ha so với 6.000ha theo quy hoạch. Việc tỉnh Đồng Tháp giảm diện tích nuôi tôm càng xanh là cần thiết.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian tới nuôi tôm càng xanh ở địa phương này cần phải thực hiện một số giải pháp để có thể phát triển bền vững. Trước hết, cần phát triển các mô hình hợp tác, liên kết bằng cách tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp. Đó là tiền đề để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng “đầu vào”, tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian.
Từ đó các hộ thâm canh vật nuôi này mới đủ khả năng áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, quản lý tiên tiến, không sử dụng kháng sinh trong sản xuất tôm càng xanh; bố trí thời vụ nuôi hợp lý nhằm có kế hoạch cung ứng con giống sát hợp tình hình, đáp ứng việc thực hiện quy hoạch đề ra.