Các loại cá được thả bổ sung lần này là trắm cỏ, trôi, mè vinh, chép, lăng vàng, lăng nha, mè hoa, mè trắng, hô, tra, tra dầu, thát lát cườm và lóc bông.
Tính từ năm 2005 đến nay, tỉnh Tây Ninh đã thả vào hồ Dầu Tiếng khoảng 7,8 triệu con cá giống, với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước khoảng trên 3,4 tỷ đồng.
Theo ông Lê Văn Khải - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh, qua điều tra gần đây, sản lượng cá khai thác trong hồ Dầu Tiếng từ khi thả cá giống đã tăng đáng kể, đạt 8 lần so với trước khi thả cá.
Hiện sản lượng khai thác cá trong hồ năm 2012 ước đạt khoảng 3.000 tấn. Trong đó các loài cá có giá trị kinh tế cao chiếm 30%. Nhiều loài cá tăng trưởng nhanh, đạt từ 3 đến 5kg/con hoặc hơn như cá mè, cá trôi, trắm cỏ.
Việc thả cá vào hồ Dầu Tiếng trong 5 năm qua (2005-2010) bước đầu tạo được việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động, làm hạn chế sự sinh trưởng quá mức cần thiết của các loại rong, tảo, bùn bã hữu cơ, góp phần rất lớn trong việc cải tạo môi trường nước trong hồ Dầu Tiếng.
Tuy nhiên, việc quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong hồ Dầu Tiếng cũng còn hạn chế, nhất là tình trạng người dân còn khai thác thủy sản bằng lưới mành mành, lưới dớn, lưới cào, xung điện; khai thác thủy sản trong mùa cá đẻ đã làm hạn chế phần nào sự sinh trưởng của các loài thủy sản trong hồ Dầu Tiếng.
Theo điều tra của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, hồ Dầu Tiếng có khoảng 54 loài thủy sản, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá lăng, thát lát, cá leo, cá ngựa, cá bống tượng.
Môi trường nước hồ Dầu Tiếng được xem là nơi bảo tồn nhiều giống loài thủy sản, là nơi cung cấp một sản lượng thủy sản lớn cho thị trường. /.