Theo đuổi đam mê
Chúng tôi tìm về trang trại của anh Nguyên khi anh đang kiểm tra bệnh cho tôm. Nhìn những con tôm xanh vẫy trong lưới bắn tung nước trắng xóa, anh Nguyên nở nụ cười tươi trên khuôn mặt rám nắng: “Lại một vụ tôm thành công”. Anh Nguyên cho biết, năm 2001, anh sang CHLB Đức học đại học ngành quản trị kinh doanh. Những năm đầu theo học tại Đức, ngoài vốn tiếng Anh ít ỏi, anh tự học nâng cao trình độ tiếng Anh, tiếng Đức để theo học ngành mình yêu thích.
Học xong đại học, anh Nguyên học lên Thạc sỹ. “8 năm nỗ lực học tập ở Đức, có một điều mà tôi luôn trăn trở là tôi đã theo đuổi đúng đam mê của mình chưa? Tôi theo học ngành quản trị kinh doanh nhưng bản thân yêu thích nhất lại là mở được trang trại chăn nuôi”, anh Nguyên nói.
Lúc anh Nguyên chia sẻ với bạn bè ý định về quê nuôi gà, đào ao thả cá, nuôi tôm, ai cũng ái ngại và khuyên anh nên từ bỏ ý định “điên rồ” đó. Tuy nhiên, hiểu được niềm đam mê của con, bố anh Nguyên luôn động viên, tạo điều kiện để anh theo đuổi đam mê.
Năm 2012, anh Nguyên về quê mở trang trại chăn nuôi, nhờ số vốn tích lũy hồi ở Đức và hỗ trợ của gia đình. Anh đầu tư 5ha mặt nước nuôi tôm sú và cua biển, mở trang trại nuôi 10.000 con gà, trong đó 3.000 gà đẻ trứng và gần 7.000 gà thịt… Nhưng ở vụ thu hoạch đầu tiên, thành công đã không mỉm cười với thạc sỹ trẻ. Năm đó, cơn bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh, mưa lớn cùng nước lũ dâng cao đã cuốn theo trang trại mà anh vất vả ngày đêm gây dựng.
Lúc đó, nhiều người khuyên anh Nguyên nên chuyển nghề khác, vì với tấm bằng Thạc sỹ ở nước ngoài, anh có thể kiếm được công việc tốt và ổn định hơn. Nhưng với quan điểm thất bại ở đâu đứng dậy ở đó, anh Nguyên vay bạn bè và ngân hàng xây dựng chuồng trại cao hơn, mua 10.000 con gà cỏ về nuôi. Anh đầu tư hàng trăm triệu đồng cho việc kè đá, đắp đập lên cao bao hết 32ha trang trại gia đình và thả hơn 6 triệu con tôm sú, 40 ngàn con cua giống.
Để học tập kinh nghiệm nuôi trồng, anh Nguyên khăn gói đi tìm những trang trại nuôi tôm sú ở khắp Bắc, Nam. Cuối năm 2014, trang trại anh Nguyên thu hoạch hơn 20 tấn tôm sú, cua gạch, xuất chuồng hơn 8.000 con gà thịt. Với mức giá thị trường từ 280-350 nghìn đồng/kg tôm sú, 400-450 nghìn đồng/kg cua gạch, 100 nghìn đồng/kg gà cỏ, hằng năm, trang trại anh Nguyên đạt doanh thu hơn 6 tỷ đồng. Trừ chi phí, gia đình thu về hơn 2 tỷ đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Truyền lửa làm giàu
Mô hình chăn nuôi của anh Nguyên được nhiều bà con trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm. “Cua biển, tôm sú đã giúp tôi giàu lên, nhưng tôi không muốn giữ những bí quyết đó cho riêng mình. Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ với những ai có đam mê nuôi trồng”, anh Nguyên nói.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm sú, anh Nguyên cho biết, với diện tích hàng chục héc ta ao hồ nuôi thủy sản, nếu không có phân gà tạo môi trường để nuôi tôm cua mà phải mua thuốc vi sinh thì rất tốn kém. Để giảm chi phí, đặc biệt tạo nguồn sản phẩm sạch, anh sử dụng bột cá, thu mua cám gạo, ngô, đậu về trộn lên men làm thức ăn cho gà thịt. Ngoài việc thu lợi từ gà thì phân gà có tác dụng rất lớn trong việc tạo môi trường để nuôi tôm, cua. Vì thức ăn cho gà được chế biến từ ngô ủ lên men, sau đó trộn với cá xay nhuyễn, nên phân gà đổ xuống hồ sẽ tạo ra một loại tảo cung cấp môi trường sống kháng khuẩn và bổ sung thức ăn cho tôm sú , cua gạch.
Anh Nguyên còn tận dụng nguồn bèo tây trôi dạt từ đầu nguồn xuống lòng hồ của gia đình để nuôi lợn rừng. Đến nay, đàn lợn rừng của anh lên đến hàng trăm con.
Anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1995), công nhân trại nuôi gà của gia đình anh Nguyên, cho biết, làm việc ở đây với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Nhiệm vụ hằng ngày của anh Hùng là cho gà ăn và dọn chuồng gà. “Mình rất khâm phục anh Nguyên và đang học tập cách nuôi gà của anh để về mở rộng đàn gà của gia đình”, anh Hùng nói.
Ông Nguyễn Sông Hàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, nói: “Tôi đánh giá cao mô hình làm kinh tế của anh Nguyễn Văn Nguyên. Anh Nguyên từng học Thạc sỹ ở Đức về, có thể tìm được những công việc ổn định thu nhập cao ở các thành phố lớn, nhưng anh đã hướng về quê nhà, tận dụng thế mạnh sẵn có để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gà, lợn làm giàu. Trang trại của anh Nguyên đã tạo việc làm ổn định cho nhiều Đoàn viên trong xã, góp phần cho việc phát triển kinh tế địa phương”.
“Cua biển, tôm sú đã giúp tôi giàu lên, nhưng tôi không muốn giữ những bí quyết đó cho riêng mình. Tôi sẵn lòng chia sẻ với những ai có đam mê nuôi trồng để làm giàu”. Anh Nguyễn Văn Nguyên