Năm 2018, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao: diện tích NTTS đạt 15.240,6ha; sản lượng đạt 149.580 tấn; giá trị sản xuất đạt 3.374,089 tỷ đồng.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu diện tích NTTS đạt 15.020ha; sản lượng đạt 159.150 tấn (tăng 7,2% so với năm 2018); giá trị sản xuất đạt 3.697 tỷ đồng (tăng 7% so với năm 2018). Trong đó: nuôi nước mặn 3.100ha, sản lượng 110.295 tấn; nuôi nước lợ 3.374ha, sản lượng 10.800 tấn; nuôi nước ngọt 8.546ha và 570 lồng/61.560m3 nuôi cá trên sông, sản lượng 38.055 tấn. Để vụ NTTS mới thành công, các địa phương đã chủ động thực hiện nghiêm quy trình nuôi, tập trung nhân lực, vật lực, tích cực đào mới, nạo vét, tu sửa, cải tạo ao đầm, xử lý môi trường nước trước khi bước vào vụ nuôi mới.
Với kinh nghiệm nhiều năm NTTS, mỗi khi bước vào vụ mới, gia đình ông Lê Văn Hường ở thôn Thanh Lâm, xã Đông Minh (Tiền Hải) đặc biệt chú trọng công tác cải tạo, vệ sinh ao đầm. Ông Hường cho biết: Nhà tôi chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích ao đầm 3.000m2. Xác định việc cải tạo ao đầm là khâu kỹ thuật quan trọng, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho tôm giống mới thả, hạn chế mầm bệnh tồn lưu trong ao nên ngay sau khi thu hoạch xong tôi đã tháo nước kết hợp bơm sục đáy ao, nạo vét loại bỏ rong rêu và lớp bùn đen, sau đó rắc vôi bột diệt tạp khuẩn. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản đã xong, chỉ còn chờ lấy nước vào ao, qua tiết Thanh minh tôi sẽ tiến hành thả tôm giống và chăm sóc theo đúng lịch thời vụ, kỹ thuật.
Không chỉ người NTTS tại các xã ven biển đang tập trung chuẩn bị tốt mọi điều kiện cần thiết cho vụ mới mà tại các vùng nuôi thủy sản nước ngọt, người dân cũng đang tất bật với công việc đào đắp, tu sửa, chuẩn bị ao nuôi. Gia đình ông Ngô Đức Trân ở thôn Nam Hòa, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) có 5 mẫu ao nuôi thả các giống cá truyền thống như trắm, trôi, chép, mè, rô phi đơn tính. Ông Trân cho biết: Thông thường, mỗi vụ nuôi cá nước ngọt kéo dài từ 6 - 12 tháng. Sau mỗi vụ nuôi tôi tiến hành cải tạo để cân bằng lại hệ sinh thái trong ao. Nếu không cải tạo tốt lòng ao, toàn bộ chất thải và thức ăn dư thừa, mầm bệnh từ vụ nuôi trước sẽ lắng đọng, tích tụ ở đáy ao gây ô nhiễm, ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Hiện các ao nuôi đã được tôi tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ, rắc vôi bột khử trùng, sau đó bơm nước vào và sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo nước. Khi thời tiết thuận lợi tôi sẽ tiến hành thả cá giống.
Cải tạo ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi trồng thủy sản mới.
Để kết quả NTTS năm 2019 đạt kế hoạch đề ra, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy hoạch, chương trình, đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được UBND tỉnh ban hành. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đầu tư nguồn lực cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thay thế, bổ sung giống thủy sản bố mẹ bảo đảm chất lượng để đáp ứng nhu cầu NTTS trong tỉnh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển NTTS theo quy hoạch; đẩy mạnh tích tụ đất đai, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào phát triển sản xuất; NTTS theo mô hình liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với hộ dân hoặc hình thành các tổ hợp tác hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc người NTTS tập trung cải tạo ao đầm, bãi triều, lồng bè theo đúng kỹ thuật, chuẩn bị tốt cho công tác thả giống thủy sản năm 2019; tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu đối tượng, mật độ thả giống. Tăng cường công tác quản lý vật tư đầu vào phục vụ NTTS, trong đó thực hiện kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt quy chế quản lý vùng nuôi và các quy định về bảo vệ môi trường vùng NTTS. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường vùng NTTS. Tăng cường công tác kiểm dịch, giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn giống thủy sản nhập vào địa bàn tỉnh.