Hiệu quả cao
Người nuôi ốc hương với diện tích lớn và đạt hiệu quả nhất hiện nay ở Mộ Đức là chị Bùi Thị Nguyệt, ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng, với 8 hồ nuôi. Bằng cách nuôi gối đầu giữa các hồ, từ đầu năm đến nay, chị Nguyệt đã xuất bán gần 30 tấn ốc hương, thu về hàng tỷ đồng.
Theo chị Nguyệt, so với con tôm, ốc hương dễ nuôi, ít bệnh, mang lại lợi nhuận cao hơn nuôi tôm gấp nhiều lần. Đặc biệt, có thời điểm giá ốc hương lên đến 370.000 đồng/kg. Cũng theo chị Nguyệt, muốn bán giá cao người nuôi cần biết xuống giống đúng thời điểm.
Sau gần chục năm thuê hồ nuôi tôm tại xã Đức Thắng bị thất bại liên tục, năm 2016, anh Hoàng Quốc Hân, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) chuyển sang nuôi ốc hương. Anh Hân cho biết: “Tôi vừa xuất bán hai hồ nuôi ốc hương được 8 tấn, với giá 340.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, tôi đang tranh thủ xử lý hồ để tiếp tục thả nuôi vụ ốc mới”.
Theo những hộ nuôi, thức ăn của ốc hương chủ yếu là tôm, cua, ghẹ, cá tạp. Mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi chiều mát và dọn vệ sinh vào sáng hôm sau. Thời gian nuôi ốc hương dao động từ 7 - 9 tháng. Tuy nhiên, nếu thời tiết thuận lợi, đầu tư mạnh về thức ăn thì chỉ cần 5 - 6 tháng là có thể xuất bán.
Vẫn còn nhiều nỗi lo
Con ốc hương đang trở thành đối tượng nuôi giúp không ít người dân ở vùng bãi ngang ven biển Mộ Đức đổi đời. Tuy nhiên, nuôi ốc hương cũng lắm rủi ro, nếu được mùa, được giá thì thu tiền tỷ, nhưng nếu thất bại thì cũng mất tiền tỷ. Bởi lẽ, chi phí đầu tư nuôi ốc hương cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm. Trung bình đầu tư cho một vụ tôm khoảng 100 triệu đồng/hồ, nhưng chi phí cho một hồ nuôi ốc hương từ 300 - 400 triệu đồng. Nếu thời tiết không thuận lợi, mức chi phí có thể tăng lên 500 triệu đồng/hồ.
Ngoài ra, đầu ra của ốc hương chủ yếu là thị trường Trung Quốc, xuất qua đường tiểu ngạch. Trong khi đó, sức tiêu thụ và giá các mặt hàng nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc luôn biến động, có thời điểm giá ốc hương chỉ còn 120.000 đồng/kg. Do đó, một khi mở rộng diện tích nuôi thì chắc chắn sẽ bị tư thương ép giá.
Bên cạnh đó, ốc hương tuy dễ nuôi, ít dịch bệnh, nhưng một khi đã xảy ra dịch bệnh thì mất trắng. “Nếu con tôm xảy ra dịch bệnh, người nuôi vẫn có thể bán với giá rẻ, còn ốc hương đã bệnh là bỏ”, chị Nguyệt lý giải.
Hiện nay, huyện Mộ Đức đang chỉ đạo khôi phục lại vùng nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, trước những lợi nhuận từ con ốc hương, nhiều hộ đã không ngần ngại đầu tư tiền tỷ vào việc nuôi ốc hương. Chi phí cao, lợi nhuận cao đi liền với rủi ro sẽ không nhỏ. Vì thế, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người dân không nên phát triển mạnh diện tích nuôi ốc hương; đồng thời phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, tránh dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại lớn về kinh tế.