Hiệu quả kinh tế cao…
Thực tế cho thấy, nuôi cá sấu có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều gia đình đã không ngần ngại đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết nuôi cá sấu được xếp vào mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, kỹ thuật cao. Sở NN-PTNT cũng đã tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con nông dân tiếp cận quy trình nuôi cá sấu.
Bà Nguyễn Thị Tình, chủ trang trại cá sấu Đồng Trai, ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, cho biết trước đây gia đình bà rất khó khăn, từ khi phát triển mô hình nuôi cá sấu, thu nhập của gia đình bà đã ổn định và ngày càng tăng. Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình bà thu về hơn 1 tỷ đồng từ mô hình nuôi cá sấu. Bà Tình còn cho biết gia đình bà sẽ mở rộng diện tích chuồng trại thêm 300m2 để tăng đàn cá sấu trong thời gian tới. Còn bà Đinh Thị Mỹ Thoài, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, cho biết qua tìm hiểu, thấy nuôi cá sấu đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình bà đã vay vốn, đầu tư xây chuồng trại với diện tích 120m2 để nuôi thử 150 con cá sấu. Nếu mô hình này mang lại hiệu quả, gia đình bà sẽ tập trung vốn để đầu tư.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro!
Mặc dù mô hình nuôi cá sấu đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng người dân cần thận trọng khi quyết định đầu tư. Hiện nay, nuôi cá sấu chủ yếu chạy theo phong trào, tự phát, nhất là gần đây cá sấu thương phẩm trên thị trường có giá trở lại khiến nhiều người ồ ạt đầu tư, chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi khác sang nuôi cá sấu. Số hộ nuôi cá sấu trên địa bàn đang tăng nhanh, vượt khả năng dự báo của ngành chuyên môn cũng như sự quản lý của chính quyền địa phương. Ông Phạm Văn Bông, cho rằng Bình Dương hiện chưa có quy hoạch về vùng chuyên chăn nuôi cá sấu cũng như chưa có sự giới hạn cho bà con nuôi cá sấu về số lượng. Mô hình nuôi cá sấu cho thu nhập cao, nhưng nếu người dân nuôi ồ ạt, nhất là đối với những người chưa từng nuôi cá sấu bao giờ, thì thành công với mô hình này là điều không dễ.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại đầu tư trăn và cá sấu Ngọc Sơn, một người có nhiều năm kinh nghiệm về nuôi cá sấu và thành công với mô hình này, cho biết nếu người nuôi cá sấu không chuyên nghiệp, cho rằng nuôi là có lãi ngay, là một cái nhìn chưa chính xác. Những người thành công với mô hình này đều phải biết kỹ thuật xây dựng chuồng trại; ngay cả thức ăn, giờ cho cá sấu ăn cũng phải tuân thủ những quy chuẩn. Mặc dù cá sấu có thể nhịn đói vài ngày, ăn những loại thức ăn dư thừa, các con vật đã chết, nhưng nếu cho ăn đúng giờ, ăn đúng liều lượng, thức ăn bảo đảm thì cá sấu sẽ ít mắc bệnh và tăng trọng đều. Người mới nuôi, nếu nuôi với số lượng nhiều, cho ăn nhiều hay cho ăn thức ăn thiu thối, mang sẵn mầm bệnh sẽ khó tránh gặp phải rủi ro. Thức ăn, môi trường và kỹ thuật chăn nuôi… đều rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cá sấu. Người mới nuôi không nên nuôi nhiều, vì khi cá sấu bị bệnh sẽ lây nhanh, khó xử lý, lúc đó thiệt hại sẽ khôn lường. “Đó là chưa nói nếu tính chi phí và lợi nhuận, giá cá sấu thịt chỉ khoảng 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chỉ còn lãi khoảng 30.000 đồng/kg cá sấu thương phẩm…”, ông Sơn cho hay. Cũng theo ông Sơn, điều đáng lưu ý, thị trường cho cá sấu hiện phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Nếu nuôi ồ ạt, cung dư thừa sẽ bị thương lái ép giá!
Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, điển hình là việc làm thiết thực giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nếu các mô hình phát triển một cách ồ ạt theo phong trào và không có quy hoạch, không tính đến yếu tố thị trường thì người dân khó tránh khỏi những rủi ro. Để bảo đảm an toàn trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân, các cấp, các ngành chức năng có liên quan nên có quy hoạch, định hướng rõ cho người nông dân trồng con gì, nuôi con gì, gắn với nhu cầu của thị trường mới mong tránh được những rủi ro có thể xảy ra.