Còn ở thời điểm hiện tại, người nuôi không gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các yếu tố môi trường, độ mặn thích hợp, lượng mưa đầu mùa tương đối đều… là những thuận lợi căn bản để bà con giảm bớt chi phí ngay từ đầu vụ.
Tuy nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân nên thận trọng trong quy trình kỹ thuật, đề phòng mầm bệnh, dịch bệnh thâm nhập vào ao nuôi qua nguồn nước. Bởi bệnh trên tôm nuôi vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt đối với một số loại bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Diện tích không tăng nhiều
Ông Trương Minh Út, Chi cục phó Chi cục Thú y Cà Mau, cho biết, diện tích tôm nuôi công nghiệp thả nuôi trên địa bàn tỉnh hiện tại 2.700 ha (tổng diện tích khoảng 5.200 ha). So với cùng kỳ năm trước, diện tích tôm nuôi vào thời điểm này tuy có tăng nhưng không nhiều. Theo kế hoạch, năm 2013 Cà Mau sẽ phấn đấu đạt 6 ngàn ha tôm nuôi công nghiệp.
“Diện tích tăng không đáng kể, nhưng tình hình dịch bệnh trên tôm trong 3 tháng đầu năm thì nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước (thiệt hại 452 ha). Từ đầu tháng 4 đến nay thời tiết tuy có phù hợp cho việc nuôi tôm, nhưng thời gian nuôi chính vụ của năm 2013 sắp hết. Bước vào mùa mưa sẽ gây khó khăn cho người nuôi”. Ông Út băn khoăn.
Nói nguyên nhân khiến diện tích tôm nuôi tăng không mạnh trong những tháng đầu năm, kỹ sư Nguyễn Công Quốc, Trưởng phòng quản lý nuôi, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau lý giải: “Giá thức ăn và thuốc chế phẩm sinh học tăng khoảng 30% so với năm 2012. Người dân lo lắng về vốn đầu tư khiến diện tích nuôi cũng bị hạn chế. Mặt khác chất lượng con giống đang gặp khó khăn từ 2 hướng. Thứ nhất, nguồn giống tôm sú tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi công nghiệp; thứ hai, tôm thẻ chân trắng đang được ưu tiên nuôi ở một số địa phương Cà Mau, nhưng lại gặp khó về giống có nguồn gốc, chất lượng...".
Còn tại Bạc Liêu, diện tích thả giống tính đến thời điểm hiện tại khoảng 82.733 ha, trong đó tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh 1.763 ha; diện tích hiện đang nuôi 102.869 ha, trong đó đang có tôm 102.571 ha. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tính đến thời điểm này là 1.899 ha.
Theo ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, hiện tại vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: tôm giống nhập tỉnh bán trôi nổi trên thị trường không kiểm soát được chất lượng; giá thức ăn, vi sinh, thuốc thú y thủy sản vẫn ở mức cao, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất…
Tính đến thời điểm này, Sóc Trăng chỉ mới thả giống tôm nước lợ được khoảng 30% diện tích. Tuy khung lịch thời vụ thả nuôi khá chi tiết cho các vùng nuôi, nhưng tiến độ thả giống chậm hơn so với mọi năm. Ở các vùng nuôi còn sự chênh lệch khá xa nhau. Cụ thể như huyện Cù Lao Dung, Trần Đề diện tích thả giống khá cao, còn thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên chỉ mới thả nuôi khoảng 20% diện tích…
Thả dè chừng
Hiện tượng tôm nuôi chết bất thường trong những tháng đầu năm 2013, khiến người nuôi tôm chưa an tâm nên chỉ thả nuôi mang tính thăm dò, vì vậy mà diện tích xuống giống chậm.
Anh Ba Rê (Lê Văn Rê), ngụ xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Cả nhà tôi đặt hết hy vọng vào vụ tôm này để giải quyết các khoản nợ đã vay ở các vụ nuôi trước đó. Năm rồi làm ăn thua lỗ nhiều quá, định bỏ nghề luôn vì đói vốn, nhưng thấy bà con trong vùng ai cũng nuôi nên mình hăng mà làm thêm vụ nữa”.
Theo lời Ba Rê thời điểm này năm ngoái độ mặn đo được chỉ 2 phần ngàn, còn hiện nay độ mặn trên 5 phần ngàn là điều kiện thích hợp để tôm nuôi phát triển. “Từ đầu năm tới giờ nắng tốt nên người nuôi không phải tốn nhiều tiền để xử lý ao đầm, chứ như năm trước mưa nhiều, tôm bị sốc, thiếu can xi bà con vừa mất tiền xử lý ao đầm vừa mất cả tôm”. Anh Rê phấn khởi.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm, nhưng ở đầu mùa vụ năm nay, anh Rê khẳng định bản thân cũng như nhiều nông dân địa phương phải thận trọng: Gia đình có 5 ao nuôi tôm công nghiệp, nhưng hiện tôi chỉ mới thả giống có 2 ao. Thả như vậy để thăm dò xem thế nào.
Ông Hia Nam, ngụ Nhu Gia (Mỹ Xuyên) hồ hởi: “Tôm nguyên liệu hiện nay đang khan hiếm nên giá cả được đẩy lên rất cao. Hiện tại tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái vào tận đầm thu mua 110 ngàn đồng/kg, cao hơn nhiều so với thời điểm thu hoạch rộ của năm trước, lúc đó cũng cỡ tôm như trên giá chỉ 60 – 65 ngàn đồng/kg”.
Tương tự, anh Dương Minh Đấu, ngụ ấp Thành Dọng, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cũng không dám tung hết tiền tái SX ở vụ tôm này. Anh Đấu cho biết: “Đợt tôm vừa qua sau khi trừ hết chi phí gia đình còn lãi gần 800 triệu đồng. Thú thật số tiền này mà bù lại mấy trận tôm bị gãy trước đó không thấm vào đâu nên phải thận trọng, tính toán kỹ lưỡng”.