ƯU ĐIỂM NUÔI TÔM THEO CÔNG NGHỆ BIOFLOC
Trong nuôi tôm, môi trường nước là một phần rất quan trọng để góp phần nuôi tôm, cá đạt hiệu quả cao về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Hiện nay, người dân nuôi tôm với nhiều năm kinh nghiệm, thông tin về kỹ thuật nuôi được cập nhật liên tục bằng nhiều kênh thông tin khác nhau nhưng không tránh khỏi việc tôm, cá bị bệnh hàng năm do môi trường nước và thời tiết bất lợi. Để cải thiện môi trường nước, đã có nhiều công nghệ chế phẩm sinh học được áp dụng như men vi sinh, chế phẩm sinh học… được áp dụng trong quy trình nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh. Tuy nhiên, chỉ cải thiện được một phần nào đó và tình hình dịch bệnh vẫn xảy ra hàng năm.
Nuôi tôm theo công nghệ được xem là một trong những giải pháp giúp cải thiện các vấn đề tồn tại nêu trên. Trong ao nuôi tôm thay vì thường nuôi (cấy) tảo, người nuôi tạo môi trường nuôi các vi khuẩn dị dưỡng có lợi, phân hủy chất thải trong ao nuôi thành cơ chất mà tôm có thể sử dụng lại; tạo bất lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển. Theo các nhà khoa học, nuôi tôm theo công nghệ Biofloc có những ưu điểm vượt trội: Ammonia tự do (dạng khí độc đối với thủy sản nuôi) trong nước được chuyển hóa thành protein trong sinh khối vi sinh vật dị dưỡng, tập hợp thành Biofloc lơ lửng trong nước và chúng sẽ trở thành thức ăn cho tôm nuôi; từ đó sẽ nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh do không hoặc ít phải thay nước trong các ao nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh.
THÀNH CÔNG TRONG THỰC TẾ
Được biết, Công ty TNHH sản xuất & thương mại Trúc Anh là một trong những đơn vị đã mạnh dạn áp dụng công nghệ này và sản xuất thực tế tại cơ sở nuôi và đạt được thành công bước đầu.
Theo ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất & thương mại Trúc Anh: Sau thời gian chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công ty đã mạnh dạn áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo công nghệ Biofloc. Công ty áp dụng công nghệ này với 2 giai đoạn: giai đoạn đầu tiến hành thả tôm giống thẻ chân trắng trong nhà màng với mật độ 1000 – 2000 con/m2, sau khi ương được 20 – 25 ngày tôm được chuyển sang nuôi ngoài trời với mật độ 200 – 300 con/m2. Qua 3 tháng nuôi tôm đạt cỡ thu hoạch 35 - 50 con/kg; năng suất cao, trung bình 150 - 200 tấn/ha/năm. FCR 0,85 – 1. Được biết, thực nghiệm các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh sử dụng công nghệ sinh học, không sử dụng kháng sinh hóa chất.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương đánh giá cao mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh của Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh. Đây là mô hình rất hiệu quả, cho giá trị kinh tế và cần được nhân rộng trong thời gian tới. Cùng đó, địa phương sẽ tạo điều kiện để phát triển mô hình này trong tương lai, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu.