Nhận thức được vai trò của hạ tầng nghề cá đối với sự phát triển của ngành khai thác thủy hải sản xa bờ, những năm gần đây, Thanh Hóa đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá theo hướng đồng bộ, từ đó giúp ngư dân yên tâm bám biển, sớm đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Thanh Hóa.
Hiện trên địa bàn Thanh Hoá có 3 cảng cá thuộc loại lớn của khu vực Bắc Trung bộ được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng gồm: cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), cảng cá Lạch Hới (thị xã Sầm Sơn), cảng cá Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia). Ngoài ra, Thanh Hóa còn có khu neo đậu tránh trú bão Lạch Hới và Lạch Bạng cùng các công trình cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão đang triển khai thi công gồm: âu trú bão Lạch Trường (Hoằng Hóa), bến cá Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), bến cá Hải Châu (Tĩnh Gia)....
Việc đầu tư xây dựng cảng cá đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch. Các khu neo đậu tránh trú bão kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá bước đầu phát huy hiệu quả khi có bão và không có bão, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, giảm thiểu thiệt hại về người và phương tiện tàu thuyền do thiên tai gây ra.
Tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, nơi có cảng cá Lạch Bạng, cùng với việc khuyến khích phát triển tàu công suất lớn vươn khơi, khai thác thủy sản, xã Hải Bình còn phát triển hơn 100 tàu làm dịch vụ trên biển. Do vậy, sản lượng hải sản thu mua gấp nhiều lần năng lực khai thác hiện tại của xã. Năm 2014, ngư dân xã Hải Bình khai thác được 1.000 tấn hải sản, nhưng nhờ có điểm neo đậu tàu thuyền, phát triển tàu dịch vụ trên biển nên sản lượng hải sản thu mua đạt 98.000 tấn.
Cùng với đó, các loại hình dịch vụ trên bờ phát triển đa dạng, toàn xã có 15 cơ sở tư nhân chế biến cá khô, tươi và muối mắm, 6 cơ sở cung cấp ngư lưới cụ và 3 đơn vị cung cấp xăng dầu ven biển cùng các nghề dịch vụ cơ khí, sửa chữa tàu thuyền, đá lạnh, chế biến thủy sản... thu hút 2.000 lao động, thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, xã Hải Bình cũng là địa phương có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản có công suất lớn đóng trên địa bàn, như: Công ty CP Thương mại Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải, Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa, Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn...
Tại Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn đã đưa vào sử dụng âu neo đậu tàu thuyền quy mô 700 phương tiện, vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá, nạo vét luồng lạch, khai thác triệt để các cảng cá hiện có.
Theo lãnh đạo thị xã Sầm Sơn, cùng với việc quy hoạch xây dựng khu đô thị nghề cá ở Quảng Tiến, tiếp tục hiện đại hóa cơ sở hạ tầng khu vực này, Sầm Sơn đang xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, mở rộng khu dịch vụ nghề cá sang phía tây sông Ðơ thuộc địa bàn xã Quảng Châu (Quảng Xương). Riêng Cảng cá Lạch Hới có thể đáp ứng 2.600 - 3.000 lượt tàu thuyền ra vào làm dịch vụ, với sản lượng thủy hải sản từ 15.000 đến 20.000 tấn/năm.
Tại đây, các dịch vụ chế biến thủy hải sản tương đối phát triển với 7 xưởng cung cấp đá lạnh, công suất 1.000 tấn/ngày, kho cấp đông công suất 400 tấn/ngày và các dịch vụ cung cấp ngư lưới cụ, thiết bị sửa chữa tàu... đáp ứng tốt vai trò là trung tâm nghề cá của tỉnh.
Âu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Lạch Bạng với sức chứa 700 phương tiện cũng được đưa vào sử dụng từ năm 2009 với tổng số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, trở thành bến đỗ bình yên cho những con tàu sau những chuyến vươn khơi.
Có thể khẳng định các hoạt động dịch vụ nghề cá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đã và đang mở hướng ra biển làm giàu cho ngư dân các địa phương ven biển Thanh Hóa. Tỉnh đã huy động hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các cảng cá, bến cá, hệ thống các chợ đầu mối cùng các khu neo đậu tàu thuyền ở các cửa lạch. Nhiều địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các bến cá ven sông, biển.
Bên cạnh đó, tỉnh nỗ lực kêu gọi đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án, bố trí nguồn vốn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm định hình các trung tâm nghề cá lớn ở Lạch Hới, Lạch Bạng, Hòa Lộc... Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá, nạo vét luồng lạch thuận tiện cho tàu thuyền ra vào.
Tỉnh còn tập trung thực hiện các dự án xây dựng các bến cá Hải Châu, Nga Bạch, Hoằng Phụ và khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá tại sông Lý (Quảng Xương), sông Cung (Hoằng Hóa)... Đồng thời, quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cơ sở đóng, sửa tàu thuyền, cung ứng xăng dầu.
Ông Lê Đức Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, theo quy hoạch cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh Hóa sẽ có 4 cảng cá, 6 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhưng hiện nay mới có 3 cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão được đầu tư xây dựng nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu bốc xếp dỡ hàng hóa, nhu cầu neo đậu khi có bão...
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Tổng cục Thủy sản cho Thanh Hóa đầu tư xây dựng mới 3 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở kênh Sao La (Nga Sơn), cửa sông Lý (Quảng Xương) và Lạch Trào (huyện Hoằng Hóa), đồng thời bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng cá Lạch Hới thành cảng cá loại 1, xây dựng mới cảng cá Đảo Mê....
Hy vọng với sự đầu tư đồng bộ, đúng hướng, đúng thời điểm, tại Thanh Hóa sẽ hình thành các trung tâm nghề cá lớn để ngư dân có thể giàu lên nhờ kinh tế biển trong tương lai không xa./.
Theo quy hoạch phát triển chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Thanh Hóa ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá theo hướng đầu tư đồng bộ và xem đây là động lực phát triển ngành thủy sản.