Hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt (Thường Xuân) có dung tích 1,45 tỷ m3 nước, diện tích mặt hồ tại mực nước dâng bình thường khoảng 31 km2. Xung quanh hồ bao bọc bởi các dãy đồi, núi cao, đáy hồ sâu với nguồn lợi thủy sản phong phú cả về giống và loài. Nguồn thức ăn phong phú, ngoài sinh vật phù du, xung quanh hồ còn có hàng nghìn ha thảm thực vật và rừng phòng hộ với độ che phủ cao, hàng năm cung cấp lượng lớn chất hữu cơ. Phát huy lợi thế trên, huyện Thường Xuân đã xây dựng và phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2019-2021”. Áp dụng đối với nuôi cá lồng tại khu vực lòng hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt, Bái Thượng, Xuân Minh, Dốc Cáy thuộc lưu vực sông Chu. Hỗ trợ tiền làm lồng nuôi cá đạt tiêu chuẩn lồng khung sắt, lưới, phao nhựa, có thể tích từ 50m3 trở lên với mức 10 triệu đồng/lồng; hỗ trợ không quá 3 lồng đối với 1 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và hỗ trợ 1 lần trong thời gian thực hiện đề án. Chính sách này không chỉ giúp khai thác hợp lý tiềm năng diện tích mặt nước trong nuôi trồng thủy sản mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động sống quanh hồ. Qua thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thường Xuân đã có 90 hộ đăng ký với 158 lồng nuôi cá trên hồ Cửa Đạt. Hiện có 16 hộ dân của các xã Xuân Cẩm, Ngọc Phụng và thị trấn Thường Xuân đã làm 49 lồng, bè và chuẩn nuôi thả cá. Phấn đấu đến năm 2021 trên địa bàn huyện sẽ phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên các lòng hồ và đạt 180 lồng.
Từ khi các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện Bá Thước tích nước vận hành phát điện, người dân sống ven lòng hồ thủy điện đã tận dụng mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, 493 hộ dân thuộc các xã Tân Lập, Ái Thượng, Lâm Xa, Lương Ngoại, Ban Công sống ven các lòng hồ đã phát triển nuôi với 567 lồng cá. Ðối tượng nuôi gồm cá chép, trắm cỏ, cá lăng, với thu nhập bình quân đạt 80 đến 100 triệu đồng/hộ/năm. Để giúp người dân nắm được những kiến thức nuôi trồng thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Bá Thước đã mở các đợt tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản, cách lựa chọn các loại thức ăn phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn các hộ gia đình nuôi cá lồng vệ sinh lồng cá sạch sẽ, từ 1 - 2 tháng vệ sinh lồng cá một lần để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường nước, giúp cá sinh trưởng và phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh 610 hồ chứa nước lớn nhỏ và 10 dự án thủy điện đã vận hành phát điện, 3 dự án đang triển khai xây dựng. Các công trình thủy lợi, thủy điện được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng tạo ra diện tích mặt hồ lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân sống ven các lòng hồ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Để nghề nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy lợi, thủy điện phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương cần thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hướng tới thả nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá lăng, cá ké, cá trắm đen... Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới nhằm đa dạng sản phẩm, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập. Tăng cường công tác dự báo, phòng ngừa dịch bệnh cho thủy sản trong quá trình sản xuất... Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; hạn chế tình trạng nuôi tự phát khó kiểm soát, ô nhiễm môi trường.