Xuyên tâm liên
Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) hay còn có tên gọi khác như cây lá đắng, cây công cộng, khổ đởm thảo, nhất kiến kỷ, hùng bút,…một loài cây thân thảo vị đắng tính mát thuộc họ Ô rô Acanthaceae.
Xuyên tâm liên có nguồn gốc từ Ấn Độ, Sri Lanka và đã được các thổ dân sử dụng như một cây thuốc từ thời cổ đại. Cho đến nay, thảo dược này đã được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Châu Phi, Caribe, Australia, Trung Mỹ và khu vực Nam Á, Đông Nam Á.
Xuyên tâm liên có thể được xem là thảo dược tiềm năng trong việc thay thế kháng sinh điều trị bệnh nhiễm trùng máu. Ảnh: baodantoc.vn
Đặc điểm của cây là mọc thẳng đứng, có chiều cao chừng 1m. Thân vuông, nhiều nhánh, cành mọc 4 hướng. Lá mọc đối nhau, cuống ngắn. Hoa của vị thuốc nhỏ, có màu trắng, mọc thành từng chùm ở nách lá hoặc ở ngọn. Quả nang dài, hạt hình trụ, thuôn dài, màu nâu nhạt.
Toàn cây xuyên tâm liên bao gồm cả thân, lá và rễ đều được dùng làm thuốc với các hoạt chất chính là Tanin, Glucozit đắng (andrographolid và neoandrographolid). Được biết đến trong các bài thuốc Y học cổ truyền có công dụng thanh nhiệt, giải độc, đồng thời hỗ trợ điều trị các bệnh lý như: viêm nhiễm đường hô hấp do vi khuẩn, vi rút…
SRS là một bệnh dịch ở Chilê, làm ngành nuôi cá hồi tiêu tốn trên 300 triệu USD mỗi năm. Vắc-xin hầu như không có hiệu quả, còn các loại kháng sinh thì đem lại những kết quả không ổn định.
Vi khuẩn Piscirickettsia salmonis thường hiện diện trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất của những người nuôi cá hồi ở Chilê. Vi khuẩn này gây ra bệnh nhiễm trùng máu trên cá hồi (SRS - Salmon Rickettsial Septicaemia). Đây là một bệnh có tính truyền nhiễm cao đi kèm với các triệu chứng như: xuất huyết, tổn thương, loét, giảm ăn và nhiều trường hợp dẫn đến cá chết.
Tiềm năng thay thế kháng sinh
Để xây dựng một giải pháp nền móng trong tương lai cho việc điều trị bệnh truyền nhiễm trên cá hồi, các nhà nghiên cứu Chile đã tìm ra chất phụ gia từ thảo dược có đặc tính kháng khuẩn cực mạnh.
Đây được xem là giải pháp thay thế hiệu quả cho các loại thuốc kháng sinh hiện nay trong kiểm soát bệnh Piscirickettsiosis (còn gọi là nhiễm trùng máu) do vi khuẩn rickettsia gây ra trên cá hồi (SRS). Dịch bệnh này là nguyên nhân chính gây tử vong do nhiễm trùng ở cá hồi Chile và làm gia tăng tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở một số quốc gia nuôi cá hồi như Canada, Ireland và Scotland.
Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm nhà khoa học từ Đại học Austral, Chile và Trung tâm Incar. Theo đó, các chuyên gia đã phát hiện tác dụng kháng khuẩn của chiết xuất cây xuyên tâm liên Andrographis đối với sự phát triển của sinh vật phù du và sự hình thành màng sinh học của vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng máu trên cá hồi. Cây xuyên tâm liên được trồng rộng rãi ở Nam Á để sử dụng trong việc điều trị một số bệnh truyền nhiễm nhờ đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm và tăng cường miễn dịch.
Cá hồi với màu đỏ đặc sắc
Trong số các kết quả nghiên cứu đã thu được, nhóm chuyên gia Chile quan sát thấy sự phát triển của sinh vật phù du và màng sinh học bị ức chế phát triển hoàn toàn khi nồng độ chiết xuất xuyên tâm liên lần lượt ở các mức 500 và 400 μg/ml đối với các chủng LF-89 và EM-90. Ngoài ra, ở nồng độ 500 μg/mL, xuyên tâm liên còn có tác dụng diệt khuẩn đối với cả hai chủng vi khuẩn nói trên.
Một phát hiện quan trọng của nhóm nghiên cứu đó là liều xuyên tâm liên dưới mức ức chế đã làm tăng mức độ phiên mã của các gen liên quan đến stress (groEL), màng sinh học (pslD) và bơm ngược (acrB) đối với cả hai kiểu gen của vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng máu trên cá hồi.
Qua những kết quả nói trên, các nhà nghiên cứu kết luận rằng chiết xuất xuyên tâm liên có tác dụng kháng khuẩn hiệu quả trước dịch bệnh nhiễm trùng máu trên cá hồi; do đó, thảo dược này là giải pháp tiềm năng thay thế kháng sinh trong kiểm soát dịch bệnh này.