Về xã vùng biển Hải Thanh, không khí tiêu điều tại các lồng nuôi đã hiện hữu. Theo anh Nguyễn Văn Quân, một chủ nuôi cá lồng ở xã Hải Thanh, cho biết: “Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh ở xã Hải Thanh từ năm 2010. Chính tôi là người lặn lội nhiều nơi, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm để du nhập nghề về nuôi thử. Sau vụ đầu, thấy lãi cao nên hàng chục gia đình trong xã cũng vay vốn, đóng lồng rồi phát triển rầm rộ”. Được biết, hai năm qua, năm nào gia đình anh Quân cũng có lãi trên dưới 200 triệu đồng/năm từ nuôi cá lồng. Lứa cá đầu năm 2013 này, mọi việc đang suôn sẻ, cá chuẩn bị đến ngày bán cho các khu du lịch thì nổi bụng, chết trắng xóa. Theo nhẩm tính của anh Quân, riêng gia đình anh đã bị thất thu 4 tấn cá vược, 20 nghìn con giống cá sủ (cá hồng mỹ) và khoảng 4 tạ cá mú; tổng số tiền thiệt hại khoảng 800 triệu đồng.
Với khuôn mặt thất thần bên cạnh hệ thống lồng nuôi của gia đình, bà Đặng Thị Hải mếu máo: “Nhà tôi là gia đình chịu thiệt hại lớn nhất ở đây. 17.000 con cá vược giống đang lớn từng ngày, 4 tấn cá vược thương phẩm và 3 tấn cá sủ sắp xuất lồng đều chết 100%. Nếu sống sót, gia đình phải thu gần 1 tỷ đồng. Người dân ở đây ai cũng bàng hoàng vì nghĩ năm nay cá gặp thời tiết thuận lợi”. Mấy ngày nay, tôi bước đi còn không vững bởi khoản nợ khổng lồ đang đè nặng lên đôi vai. Để có tiền đầu tư cho hệ thống lồng bè và con giống, gia đình tôi phải cầm cố nhà cửa, tài sản để vay ngân hàng và bà con trong xóm. Nay đàn cá chết trắng, không biết lấy khoản nào để trả nợ”.
Cùng cảnh ngộ, gia đình chị Bùi Thị Hà (26 tuổi) cũng trắng tay khi toàn bộ gia sản và tiền anh em họ hàng mừng đám cưới, anh chị đầu tư hết cho việc nuôi cá lồng. 5 tấn cá của anh chị cũng gần đến kỳ thu hoạch, nay còn lại vài con sống sót. Ước mơ xây dựng ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ trong ít tháng tới không những không thực hiện được mà giờ lâm vào cảnh trắng tay.
Tại địa phương, cá sủ thương phẩm đang được bán với giá 90.000 đồng/kg, cá vược tại lồng cũng xuất bán được 120.000 đồng/kg. Hiện chưa có đánh giá cụ thể số tiền thiệt hại, song theo ước tính của các hộ dân và chính quyền xã Hải Thanh, các hộ nuôi cá thất thu hàng chục tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ thiệt hại khoảng 600 triệu đồng.
Tìm hiểu nguyên nhân cá chết, các hộ dân địa phương đều khẳng định, trước đó cá không hề có biểu hiện bị bệnh hay chết lẻ tẻ. Cá chết đồng loạt vào đêm 23, sáng ngày 24 – 7. Hai gia đình có lồng cá gần biển, kịp thời phá cọc, kéo được các lồng cá ra phía biển nên cá chỉ chết ít. 15 hộ nuôi còn lại dùng bình ô xy sục khí, kéo giãn các ô lồng để có không khí nhưng cá vẫn chết. Các chủ lồng cá cho rằng, nguyên nhân cá chết là do một số nhà máy, cơ sở chế biến hải sản gần đó xả nước thải có chất độc ra môi trường nước. Họ còn khẳng định, hôm cá chết, dòng nước ở Kênh Than có mùi rất khó chịu, đen kịt.
Ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hiện chưa có kết luận cuối cùng nên chưa thể nói là có chất độc thải ra từ các cơ sở chế biến gần đó hay không. Nhưng đêm cá chết có mưa to, bên công ty thủy nông mở cống Bình Minh thoát lũ qua hệ thống Kênh Than xuống biển. Các loài cá nuôi thuộc cá nước mặn trong khi nước ngọt tràn về, bị ngọt hóa nên cá chết là điều chắc chắn”. Điều đáng nói, “Kênh Than để tiêu thoát lũ, các hộ nuôi nói trên là hoàn toàn tự phát, không có trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Trước đây, chúng tôi cũng đã có nhiều khuyến cáo, thông báo đến các hộ dân nhưng họ vẫn cố tình nuôi” – ông Thọ cho biết thêm. Rõ ràng, việc nuôi cá lồng nói riêng, phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung cần phải tuân thủ quy hoạch chung của các cơ quan chức năng mới có thể phát triển bền vững. Các hộ dân không nên vì lợi nhuận trước mắt để rồi chịu thất thiệt lớn.