Số HĐ đã ký với diện tích nuôi gần 714ha, tổng phí BH trên 30,4 tỉ đồng; trong đó nông dân (ND) phải nộp trên 11,9 tỉ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 18,5 tỉ đồng. Từ năm 2012 đến cuối tháng 7.2013, Cty Bảo Minh Cà Mau đã tiếp nhận thông tin khai báo 1.740 vụ tôm nuôi bị thiệt hại, đã giải quyết bồi thường 600 vụ (diện tích bị thiệt hại gần 200ha, số tiền bồi thường trên 35,2 tỉ đồng). Tuy nhiên, số hồ sơ khai báo bị thiệt hại chưa bồi thường còn 1.140 vụ và số mới phát sinh thêm khoảng 112 vụ (tổng số tiền bồi thường ước tính 76,5 tỉ đồng).
Cũng theo UBND tỉnh Cà Mau, thực hiện thí điểm BHNN tại Cà Mau còn nhiều khó khăn, vướng mắc giữa quy định của cơ quan có thẩm quyền và thực tế ở địa phương, các cơ quan triển khai thực hiện lúng túng đã gây nhiều bức xúc đối với ND tham gia BH... Bộ Tài chính đã ban hành nhiều quyết định (QĐ) và được điều chỉnh nhiều lần, nhưng vẫn chưa hợp lý. Chẳng hạn như QĐ số 2114/QĐ-BTC ngày 24.8.2012 nâng mức tỷ lệ phí BH nuôi tôm thâm canh khá cao (từ 7,42% lên 9,72%), quy định doanh nghiệp BH có quyền từ chối bồi thường hoặc từ chối một phần nếu: Mật độ tôm thực tế thấp hơn 80% so với mật độ trong giấy chứng nhận BH, tôm chết không đồng nhất về kích cỡ được xác định nhiều loại độ tuổi cùng nuôi trong một cơ sở nuôi trồng. Đến QĐ số 1725/QĐ-BTC ngày 23.7.2013 sửa đổi, bổ sung QĐ số 1042/QĐ-BTC tiếp tục nâng mức phí BH đối với tôm lên 13,73%. Việc thay đổi này sẽ gây khó khăn đối với số hộ nuôi những vụ trước bị thiệt hại. Còn Cty Bảo Minh ban hành quy tắc một số nội dung chưa phù hợp thực tế nên lúng túng, xử lý chưa phù hợp quy định. Cụ thể: Theo HĐ ký với ND, trong thời hạn 1 tháng kể từ khi bị thiệt hại nếu đầy đủ hồ sơ, thủ tục phải bồi thường cho ND, nhưng có những trường hợp bị thiệt hại trên 6 tháng Cty vẫn chưa bồi thường. Cty tự ý trừ 30% giá trị HĐ và thương lượng với ND để giảm trừ từ 15% - 60% giá trị của HĐ được bồi thường,... Cà Mau lại chưa có quy trình xét nghiệm, chẩn đoán bệnh hoại tử gan tụy cấp trên con tôm (chỉ xác định bằng phương pháp kiểm tra lâm sàng) gây khó khăn cho cơ quan thú y của tỉnh trong việc xác định dịch bệnh.
UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản kiến nghị: Bộ Tài chính sớm rà soát lại những văn bản đã ban hành có nội dung chưa phù hợp với thực tế địa phương; chỉ đạo TCty Bảo Minh thực hiện bồi thường đúng theo giá trị, thời gian HĐ đã ký, không tự đặt ra mức phần trăm khấu trừ giá trị HĐ. Bộ NNPTNT tiếp tục sửa đổi, bổ sung Thông tư số 47/2011/TT-BNNPTNT ngày 29.6.2011 theo hướng các hộ tham gia thí điểm BHNN phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan địa phương nơi thí điểm BH chứng nhận; chủ hộ nuôi tôm tham gia BH phải có giấy chứng nhận kiểm dịch các bệnh đốm trắng, đầu vàng, MBV đối với tôm sú; đốm trắng, đầu vàng, MBV và Taura đối với tôm thẻ chân trắng; sớm ban hành quy trình xét nghiệm bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm...