Trong đó, vướng mắc từ những quy định không rõ ràng, không phù hợp tình hình thực tế đang được cơ quan bảo hiểm, các nhà quản lý và người nuôi tôm chú ý nhiều nhất.
Chậm trễ, bất cập
Theo Ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tỉnh Bạc Liêu, sau gần một năm triển khai chương trình này, toàn tỉnh có 2.633 hộ nông dân, cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp có đủ điều kiện được hỗ trợ phí bảo hiểm. Trong đó, 2.510 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo với tổng diện tích nuôi tôm trên 3.400ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này số hộ tham gia bảo hiểm chưa đầy 100 hộ, tổng phí khá thấp.
Từ khi triển khai thí điểm bảo hiểm tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đến nay, đã có trên 40 hộ dân bị thiệt hại tôm nuôi với số tiền bồi thường trên 600 triệu đồng. Ngoài ra, đã có 1.500 lượt người được tập huấn cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Chính sự đồng thuận và phấn khởi đón nhận chính sách bảo hiểm từ phía người dân đã tạo điều kiện cho sự thành công bước đầu của chương trình này.
Về phạm vi bảo hiểm, đó là “tôm sú bị mắc bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính; tôm thẻ chân trắng bị mắc bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hội chứng Taura, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính. Các dịch bệnh trên được xác nhận và công bố bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
Về vấn đề này, Sở NN-PTNT cho rằng, hiện nay, bệnh teo và hoại tử gan tụy trên tôm sú, tôm chân trắng chưa tìm ra tác nhân gây bệnh nên tỉnh chưa thể xét nghiệm được bệnh này. Do đó, công tác xác nhận, công bố dịch bệnh làm cơ sở để bồi thường sẽ gây khó khăn không nhỏ.
Về quy trình kỹ thuật nuôi, quy định “tôm giống thả nuôi phải có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành, mua tôm giống từ cơ sở đã được cấp chứng nhận đạt chất lượng”. Tuy nhiên, trên thực tế, một số hộ nuôi mua tôm giống ở miền Trung có giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm bệnh tôm đứng tên người khác, không phải là chủ hộ đăng ký tham gia bảo hiểm nên không phù hợp về mặt thủ tục.
Mặt khác, các loại bệnh còn lại cũng rất khó khăn trong việc xét nghiệm nếu có dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Bởi lẽ, toàn tỉnh chỉ có 4 máy xét nghiệm PCR do Chi cục Nuôi trồng thủy sản quản lý. Thời gian xử lý, phân tích mẫu khoảng 5 tiếng đồng hồ mới có kết quả. Ngoài ra, các máy xét nghiệm này còn làm nhiệm vụ xét nghiệm mẫu tôm giống, tôm thịt phục vụ người nuôi tôm trong tỉnh. Phòng xét nghiệm này chưa được công nhận năng lực theo quy định.
Ban chỉ đạo tỉnh cũng khẳng định, một số cán bộ tuyến xã đã được tập huấn bảo hiểm nhưng chưa nắm vững quy tắc bảo hiểm, quy trình sản xuất áp dụng trong thí điểm bảo hiểm trên tôm nuôi. Do đó, việc giải thích cho nông dân khi có thắc mắc chưa được thỏa đáng dẫn đến công tác vận động, tuyên truyền đạt hiệu quả chưa cao.
Gỡ khó cho nông dân
Xuất phát từ tình hình thực tế, ban chỉ đạo tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng việc hỗ trợ diện hộ cận nghèo bằng với hộ nghèo, vì sự khó khăn của hai đối tượng này không có sự khác biệt lớn.
Ở khía cạnh khác, trong quá trình ký kết hợp đồng, người nuôi tôm bị thiệt hại do hội chứng gây hoại tử gan tụy cấp tính và một số bệnh khác không rõ nguyên nhân, xét nghiệm không xác định được thì việc xác nhận và công bố dịch sẽ không có cơ sở, việc bồi thường chắc chắn không thực hiện được. Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT hướng dẫn cụ thể hơn về việc xác nhận hoặc công bố dịch bệnh với các loại bệnh trên.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân nuôi tôm còn đề nghị điều chỉnh bộ quy tắc bảo hiểm đối với trường hợp hộ dân có nhiều ao nuôi nhưng chỉ mua bảo hiểm một số ao. Nhưng theo quy tắc này, hộ nuôi phải tham gia toàn bộ diện tích, trong khi họ không đủ khả năng tài chính để tham gia.
Theo quy tắc, bảo hiểm chỉ thực hiện trên diện tích nuôi thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, với hình thức nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, để tiết kiệm thời gian nuôi và nhằm tăng tỷ lệ sống, rất nhiều hộ đã chọn hình thức ương trước khi sang ra ao nuôi (trung bình thời gian ương từ 10 - 30 ngày). Do đó, nhiều nông dân đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh bộ quy tắc này.
Tại hội nghị tổng kết một năm thực hiện chính sách bảo hiểm trên tôm nuôi ở Bạc Liêu diễn ra mới đây, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, bảo hiểm nông nghiệp là chính sách an sinh xã hội đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, điều mà mọi người quan tâm là vì sao vẫn có quá ít người nuôi tôm tham gia bảo hiểm, trong khi tại các địa phương được chọn thí điểm, có đến hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo đang nuôi tôm.
Theo quy định, hộ nghèo được hỗ trợ 100%, hộ cận nghèo hỗ trợ 80% phí bảo hiểm, kể cả các đối tượng khác tham gia bảo hiểm cũng vẫn được hỗ trợ nhưng tại sao người dân chưa mặn mà. Phải chăng do khâu tuyên truyền chưa được chú trọng hoặc có làm nhưng chưa đúng cách?
Ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tỉnh Bạc Liêu, đề nghị, cán bộ phải đến tận đồng tôm để giải thích cho dân chứ không chỉ dừng lại ở hội trường. Một hạn chế khác là việc phối hợp giữa ban chỉ đạo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với các ngành chức năng chưa tốt. Ở một số nơi, đã qua một năm mà vẫn chưa phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên. Ngoài ra, kinh phí cấp cho hoạt động của ban chỉ đạo các cấp còn chậm. Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức, chưa dành thời gian thỏa đáng để lãnh đạo, điều hành công tác này.
"Tất cả các khâu chuẩn bị đều chậm, như thành lập ban chỉ đạo các cấp, tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến người nuôi tôm. Một số nơi, tôm thả rồi và bị thiệt hại, người dân mới biết có chủ trương bảo hiểm. Công tác tuyên truyền, phát động cũng chưa đủ sức thuyết phục nông dân"
Ông Lê Thanh Dũng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tỉnh Bạc Liêu