Theo TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Tổng cục Thủy sản): An Giang được hưởng lợi từ sông Tiền và sông Hậu với chất lượng nguồn nước tốt, khả năng tự làm sạch tuyệt vời. An Giang còn có hệ thống giao thông thủy thuận lợi, địa hình phù hợp để nuôi cá tra tập trung. Trên thực tế, đây cũng là địa phương có vùng nuôi cá tra chủ yếu của ĐBSCL và là địa phương phù hợp để phát triển trung tâm SX cá tra giống hạt nhân cho cả vùng trong tương lai.
Trước khi được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Dự án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, Tổng cục Thủy sản phối hợp với tỉnh An Giang cũng đã bước đầu khởi động mô hình liên kết chuỗi SX giống cá tra chất lượng cao. Theo đó tháng 1/2017, mô hình liên kết SX giống cá tra theo chuỗi 3 cấp cũng đã được ký kết hợp tác triển khai giữa Trung tâm Giống thủy sản An Giang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II và Tập đoàn Hùng Vương cùng các tổ - chi hội ươm cá tra giống tại tỉnh An Giang.
Theo ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang, đến thời điểm này, mô hình liên kết 3 cấp thí điểm đã đi vào vận hành khá hiệu quả.
Theo đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã cung cấp, chuyển được 9.000 con cá tra bố mẹ hậu bị, 8.000 con bố mẹ chất lượng cao cho Trung tâm Giống thủy sản An Giang và sẽ chuyển tiếp 3.000 con bố mẹ trong thời gian tới. Sau gần 1 năm triển khai, hiện An Giang đã có gần 200 ha diện tích ươm giống cấp 3 chất lượng cao, có kiểm soát trên cơ sở liên kết nguồn cá bột từ Trung tâm Giống thủy sản của tỉnh, với khả năng cung ứng từ 800-900 triệu con giống chất lượng cao/năm.
Hệ thống cơ sở ươm giống cấp 3 này sẽ tiếp tục được tỉnh An Giang thành lập thành các chi hội ở các vùng nuôi cá tra trọng điểm trong thời gian tới... Việc triển khai thành công mô hình liên kết thí điểm này cho thấy triển vọng và tính khả thi rất lớn khi Đề án liên kết SX giống cá tra 3 cấp chất lượng cao được Chính phủ phê duyệt.