Diễn biến thị trường cá tra những tháng trước
Ghi nhận từ VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào tháng đầu năm 2023 chỉ đạt gần 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số liệu từ mực, bạch tuộc và các loài cá biển khác chỉ dao động nhẹ, riêng cá tra giảm 50%. Tín hiệu đi xuống của tiêu thụ cá tra đã thể hiện rõ từ những tháng cuối năm 2022, với kim ngạch 475 triệu USD, so với cùng kỳ 2021 đã giảm 12%.
Bên cạnh đó, không chỉ kim ngạch xuất khẩu giảm mà giá cá tra Việt Nam xuất khẩu trong tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023 cũng giảm nhẹ. Số liệu thu về từ thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam lớn nhất là Trung Quốc, trong tháng 1/2023 giá giảm 7,5%, đạt mức thấp nhất kể từ mùa thu năm 2021 ở mức trung bình 2,11 USD/kg.
Tại Mỹ, giá xuất khẩu cá tra đã được ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021, đến tháng 12/2022 đã giảm xuống còn 2,96 USD/kg và sau đó ổn định trong tháng 1/2023. Tuy nhiên xét trong bối cảnh 5 năm, những mức giá này là tương đối bình thường, đây là những mức giá được thấy trong năm 2019 và 2020, bối cảnh chịu những ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19.
Tại các thị trường khác như EU, giá tất cả các loài đều ở mức trung bình đối với tất cả sản phẩm và có thể chiếm tỷ lệ cao hơn đối với các sản phẩm cao cấp, chẳng hạn như cá tra fillet không mạ băng so với các thị trường khác; hay thị trường ASEAN, mức giá cá tra Việt Nam tháng đầu năm 2023 chỉ giảm nhẹ so với 12/2022. Hơn hết, thị trường ASEAN chỉ ghi nhận mức giá cá tra giảm dần thay vì giảm mạnh so với các thị trường khác.
Triển vọng trong tương lai gần
Dù có sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu trong tháng đầu năm 2023, nhưng VASEP cho rằng, cá tra Việt Nam vẫn có triển vọng khả quan trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ. Năm ngoái, đây là hai bạn hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng lần lượt 30% và 23% của xuất khẩu cá tra.
Chuyên gia từ VCBS dự báo nhu cầu cá tra sẽ hồi phục ở thị trường Mỹ và Trung Quốc vào nửa cuối năm. Cụ thể tại Mỹ, lạm phát đang dần hạ nhiệt, tạo điều kiện gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này. Bên cạnh đó, thời điểm cuối quý II là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Đây là những động lực cho giá cá tra tăng tại khu vực Bắc Mỹ.
Phía Trung Quốc, trong tháng 2, thị trường có hiện tượng thiếu cung cá giống và cá tra nguyên liệu do các doanh nghiệp chế biến bắt đầu tăng công suất 15 - 30% so với đầu năm. Nhu cầu mua cá tra nguyên liệu chỉ hạ nhiệt nhẹ trong tháng 3 khi cầu phao tại Móng Cái sửa chữa trong 5 ngày khiến hoạt động vận chuyển bị đình trệ. Đến thời điểm 10.3, cầu phao đã được hoàn thiện. Do đó, nhiều khả năng thị trường cá tra sẽ phục hồi tiếp sau tháng 4.
Tỉ lệ lấp đầy tại các cảng ở Bắc Mỹ và Bắc Âu duy trì ở mức 10 - 85%, không còn bị tắc nghẽn như đợt cuối năm 2022. Giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch. Với việc nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái dư cung, chuyên gia dự báo việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các nước phương Tây sẽ được thuận lợi hơn trong năm 2023.
Mặc dù Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại vào đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này cho đến nay vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể, nhưng nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Điều này có thể là do tác động từ chính sách Zero – Covid và việc thu nhập của người Trung Quốc giảm cùng với sự phục hồi chậm của dịch vụ nhà hàng.
Sau khi giảm sâu trong tháng 1.2023, mặt hàng cá tra xuất sang Trung Quốc tăng 26% trong tháng 2.2023, phần nào cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc, nhưng thực tế cho thấy là Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải mặt hàng nào thị trường này cũng chấp nhận. chuyên viên của Vasep nhận định xuất khẩu cá tra trong thời gian tới chủ yếu kỳ vọng vào Trung Quốc, một số nước châu Âu như Anh, Đức, Bồ Đào Nha và các thị trường Trung Đông. Chuyên gia cũng hy vọng rằng việc xuất khẩu cá tra sẽ dần hồi phục trở lại vào quý 3.2023, nhờ các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại.