Nguyên nhân chính các doanh nghiệp và vựa thu mua nông sản xuất khẩu đã “ăn hàng” trở lại. Riêng thị trường nội địa, nhiều siêu thị, nhà bán lẻ lớn cũng xắn tay vào chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, điều này khiến cho thị trường nông sản trong những ngày qua có diễn biến khả quan hơn.
Cụ thể, giá khoai lang tím Nhật đang được thương lái thu mua tại một số xã của huyện Châu Thành là 400 ngàn đồng/tạ, tăng 80 ngàn đồng/tạ so với cách đây hơn 1 tuần. Nông dân trồng khoai đang bắt đầu thu hoạch rộ trong hơn 1 tuần nay.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú, huyện Châu Thành cho biết: “Sau Tết, do không xuất khẩu được nên hầu như toàn bộ sản lượng khoai tím của địa phương phải neo lại trên đồng. Song cách đây khoảng 1 tuần, một số vựa khoai lớn có kho lạnh ở tỉnh Vĩnh Long đã thu mua lại nhưng giá chỉ dao động từ 300.000 đồng đến 320.000 đồng/ tạ. Những ngày qua, giá khoai lang đã tăng lên 400 ngàn đồng/tạ. Với mức giá như hiện tại, hầu như nông dân sẽ không có lãi, song với tình hình dịch bệnh do vi-rút Corona đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc thì với giá này nông dân cảm thấy là nỗ lực lớn trong giải cứu nông sản. Hiện xã Tân Phú đang bắt đầu thu hoạch rộ khoai lang, toàn xã đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích”.
Giá thanh long ruột đỏ, mít Thái thời điểm nay cũng tăng trở lại, cụ thể giá thanh long ruột đỏ tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng đối với thanh long loại I, mít Thái đang được thương lái thu mua tại các huyện có giá 5.000 – 6.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tuần trước.
Thông tin về tình hình liên kết tiêu thụ thanh long ruột đỏ tại huyện Châu Thành, ông Nguyễn Văn Ba - Phó Giám đốc Hợp tác xã thanh long xã Phú Hựu đồng thời cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành cho biết, ngày 6/2 vừa qua, với sự giúp đỡ từ Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp và Siêu thị Big C, hai đơn vị là tổ hợp tác và hợp tác xã trồng thanh long ruột đỏ của huyện Châu Thành đã bán được gần 3 tấn thanh long cho Siêu thị Big C. Bên cạnh đó, sau khi Cửa khẩu được mở lại, các doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu cũng bắt đầu lấy hàng trở lại nên giá thanh long đã khởi sắc hơn”.
Mặc dù không tăng giá mạnh như thanh long ruột đỏ và khoai lang tím, hiện mặt hàng ớt được thương lái thu mua tại ruộng ở huyện Thanh Bình có giá 8.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với 1 tuần trước nhưng so với việc không tiêu thụ được thì mức giá này nông dân cảm thấy phấn khởi.
Anh Nguyễn Phước Nhờ - chủ vựa ớt Phước Nhờ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình cho biết: “Hiện nay, các chợ biên giới của Trung Quốc chưa chính thức hoạt động lại nên việc tiêu thụ nông sản vẫn khó khăn. Hiện doanh nghiệp chúng tôi chỉ hi vọng đến thời điểm các chợ biên giới phía Trung Quốc được hoạt động bình thường lại để thị trường nông sản nội địa ổn định hơn”.
Nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Siêu thị Big C hỗ trợ thu mua thanh long cho nông dân Đồng Tháp. Dự kiến trong đợt I từ ngày 6 - 10/2 Siêu thị Big sẽ hỗ trợ thu mua gần 33 tấn thanh long cho nông dân. Hiện Sở Công Thương cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan tìm hướng tiêu thụ cho nông dân.
Theo Bộ Công Thương, nguồn thông tin từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, do ảnh hưởng từ tình hình viêm phổi cấp Corona, tỉnh này sẽ tiếp tục kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa và cư dân biên giới cho đến cuối tháng 2/2020. Về phía tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, mặc dù chưa có thông tin chính thức nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của vi-rút Corona, nhiều khả năng địa phương này cũng có quyết định tương tự tỉnh Quảng Tây.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho biết, quyết định của tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, Trung Quốc chỉ ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới. Riêng các lô hàng xuất khẩu theo đường chính ngạch thì vẫn làm thủ tục thông quan bình thường. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị, đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới, doanh nghiệp và người dân có biện pháp để điều tiết sản lượng. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hạn chế đưa hàng lên biên giới, trừ trường hợp hàng hóa xuất khẩu chính ngạch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần liên hệ với chủ hàng để đàm phám chuyển đổi sang hình thức chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp để sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức chính ngạch như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc...