Bệnh Taura và đốm trắng trên tôm thẻ đã làm nhiều hộ nuôi ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phơi hồ tạm nghỉ gần 2 tháng nay. Thời tiết nắng nóng cộng với thói quen thả giống dày của bà con đã làm dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng năm nay phát triển trên diện rộng và kéo dài. Đến thời điểm này, theo ghi nhận của phóng viên, có khoảng 60% các hộ nuôi đã bắt đầu thả vụ mới.
Gia đình có nhiều ao nuôi thường chỉ thả giống khoảng 50% diện tích để thăm dò, vì sợ tôm chưa phát triển ổn định và giá thức ăn, thuốc cũng có dấu hiệu tăng. Anh Trí – xã Chí Công có gần 10 ao nuôi chia sẻ: “Để đảm bảo an toàn cho vụ nuôi mới, chúng tôi đành phải nuôi cuốn chiếu để tránh rủi ro. Sau Tết, hầu như các ao nuôi tôm của gia đình đều thất bại hoặc bán với giá rất thấp vì dịch bệnh hoành hành. Hơn 2 tháng nay, thấy tình hình tương đối ổn định, tôi đã thả giống 3 ao, nếu đạt mới thả tiếp các ao còn lại. Tuần vừa rồi tôi mới xuất bán 1 ao, nuôi khá đạt khoảng 60 con/kg nhưng giá “bèo” quá, chưa đến 90 ngàn đồng/kg, tôi đang suy nghĩ có thả nuôi tiếp không”.
Gần một tháng trở lại đây, tôm thẻ bỗng nhiên tụt giá thê thảm. Nếu trước Tết, tôm thẻ có giá khá hấp dẫn, 1 kg (100 con) có giá khoảng 110 – 120 ngàn đồng/kg, nay tôm hạ giá từ từ và đang dừng ở mức 78 ngàn đồng/kg. Theo nhiều hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Tân cho biết, với mức giá này người nuôi không có lời vì giá thức ăn của nhiều công ty đã tăng giá mới. Theo đó, giá nhân công, giống đều không còn ở mức giá cũ.
Anh Lai – xã Vĩnh Tân vừa thu hoạch 3 sào tôm với sản lượng 1,4 tấn. Anh cho biết: “Với giá cũ, gia đình tôi sẽ kiếm lời vài chục triệu đồng vì tôm nuôi (đạt hơn 50 con/kg) nhưng nay chỉ bán với giá 92 ngàn đồng/kg, mất gần 30 ngàn đồng/kg. Nghe đâu các công ty chế biến hải sản thiếu nguyên liệu nhưng giá tôm lại rớt thê thảm, nghịch lý quá. Hiện tại, chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, họ định giá nào thì phải bán giá ấy, không biết vì sao giá lại giảm nhanh đến vậy”.
Trước tình hình giá cả không mấy hấp dẫn và có thông tin giá tôm sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới, nhiều hộ nuôi quyết định tạm thời chưa thả giống lại, đợi thời gian nữa xem sao. Lý giải nguyên nhân giá tôm nguyên liệu liên tục hạ trong thời gian gần đây, một người làm trong công ty chế biến hải sản ở Phan Thiết cho biết, lượng tôm nguyên liệu tại một số nước chuyên nuôi và xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia… đang ngập tràn và có giá thành khá rẻ (rẻ hơn trong nước), do đó một số nhà máy chế biến và xuất khẩu hải sản trong lẫn ngoài tỉnh buộc phải hạ giá thành tôm nguyên liệu để bằng với các nước trong khu vực. Vì lẽ đó, tình trạng thương lái ép giá hộ nuôi là điều dễ hiểu.
Không biết, nguyên nhân này có chính xác hay không nhưng có thể dự báo thị trường tôm thẻ chân trắng trong thời gian tới sẽ không mấy khả quan và người nuôi tôm sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh giá giữa các nước trong khu vực.