Nước lũ nhấn chìm nhiều diện tích lúa đông xuân ở huyện Đông Hòa.
Sáng 2/4, ông Lưu Bá Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đông Hòa, cho biết do mưa lớn trên địa bàn huyện trong những ngày qua, kết hợp với mực nước sông Bánh Lái dâng cao trong ngày 1/4 tiếp tục gây thiệt hại nặng cho huyện.
Khoảng 2.000 ha diện tích lúa đông xuân của huyện bị đổ ngã và ngập sâu dưới nước (trong đó khoảng 50% diện tích lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa) có khả năng thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, toàn huyện cũng có 9 ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng do lốc xoáy
Đến sáng 2/4, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện có trên 450 ha hồ nuôi từ 1-2 tháng tuổi bị chìm dưới nước. Một trong những địa bàn có số hộ nuôi tôm bị thiệt hại nặng nhất của huyện là xã Hòa Xuân Đông. Ông Lê Quang Hân, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông, cho biết mặc dù người nuôi tôm đã triển khai các biện pháp để không cho tôm thất thoát ra ngoài, như giăng lưới, be cao bờ hồ nhưng do mực mức lên quá cao khiến cho gần 80 ha tôm nuôi của nông dân trong xã đều bị chìm sâu dưới nước (bình quân ngập trên 0,5m) không thể cứu vãn gì được.
Sáng 2/4, tại cầu Bến Củi (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) mực nước vẫn còn ngập trên 1m.
Trước tình hình này, UBND huyện Đông Hòa chỉ đạo các ban, ngành địa phương và các Hợp tác xã nông nghiệp khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục cơn bão số 1, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân. Huyện chỉ đạo bằng mọi biện pháp phải khẩn trương tiêu úng, thoát nước để cứu lúa đông xuân và cánh đồng nuôi tôm. Đồng thời, vận động nông dân thu hoạch những diện tích lúa đã chín bị ngập dưới nước để tránh thiệt hại, giảm chất lượng, năng suất lúa. Đối với những diện tích tôm nuôi đủ tháng tuổi cũng khẩn trương thu hoạch để tránh hiện tượng tôm chết do sốc nước.
Tại huyện Tây Hòa, sáng 2/4 nước lũ sông Bánh Lái đã bắt đầu xuống, tuy nhiên vẫn còn nhiều vùng bị ngập sâu trong nước, nhấn chìm hàng trăm héc ta lúa đông xuân vùng ven sông. Tại cầu Bến Củi (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) nước vẫn còn ngập trên 1m, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, phải sử dụng đò hoặc các phương tiện chuyên chở khác.