Như nhiều nguồn thông tin đã cảnh báo, sản lượng cá tra năm nay dự kiến thiếu nghiêm trọng và dự báo đến tháng 9 năm nay nhà máy sẽ không còn cá để chế biến. Giá cá tra nguyên liệu đã tăng vọt từ hơn một tháng trở lại đây. Câu hỏi đặt ra là, với tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu như vậy, giá cá tra sẽ được "định đoạt" ở mức bao nhiêu thì hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích cho người nuôi và doanh nghiệp?
Với vai trò là Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Dương Ngọc Minh xung quanh vấn đề này.
Ông Dương Ngọc Minh nói: Sản lượng nguyên liệu trong dân đủ để cung cấp mỗi tháng khoảng 20.000 tấn cá, số này sẽ dứt điểm vào tháng 9 năm nay. Điều này cho thấy từ tháng 10 cho đến quý 1.2017, nguyên liệu cá tra không có để cung ứng mặc dù diện tích ao được thả lại vào tháng 5, tháng 6 năm nay để phục vụ nguyên liệu cho năm 2017.
"Như tôi đã đề cập nhiều lần, nguyên nhân của tình trạng bỏ nuôi cá tra năm 2015 là do người dân bị lỗ dây chuyền, từ người làm giống đến người nuôi. Chưa có năm nào mà người làm giống chỉ bán được giá 19.000 đồng/kg, kéo dài cả năm và họ chỉ làm được 1 vụ thay vì 3 vụ như các năm trước. Doanh nghiệp cũng giảm diện tích nuôi trồng do không phải vay mượn được của ngân hàng, hơn nữa họ có tâm lý chỉ thu mua trong dân để có giá rẻ hơn mình đầu tư. Do đó, sản lượng cá tra năm 2016 giảm hơn 40% trong tổng số 1,4 triệu tấn nguyên liệu như doanh số và sản lượng cá thành phẩm xuất khẩu của 2015."
PV: Vừa qua các địa phương vẫn báo cáo diện tích thả nuôi cá tra năm nay giảm không đáng kể, còn với tư cách là phó chủ tịch Vasep, ông có thể thông tin thêm?
Ông Dương Ngọc Minh: Tôi cho rằng, các Sở nông nghiệp địa phương thiếu thông tin về tình hình thả cá trong năm 2015 do khi thu hoạch nên người dân lỗ không tái đầu tư hoặc chuyển qua nuôi cá nội địa. Các địa phương, đế nay vẫn khẳng định diện tích nuôi cá trong dân không giảm nhưng họ không thấy được sản lượng đang hụt nghiêm trọng. Một số ít doanh nghiệp hợp tác đầu tư hoặc nuôi gia công với dân nhưng số lượng không đáng kể. Do đó, đây là lời cảnh báo các doanh nghiệp phải cân đối nguyên liệu để đảm bảo cho sản xuất trong năm 2016. Vì vụ nuôi mới của dân và doanh nghiệp sớm lắm thì cũng phải đến đầu tháng 5.2016 nên lượng cá để phục vụ cho sản xuất chắc chắn sẽ thiếu hụt cho đến cuối năm.
Năm nay, tình trạng hụt cá không chỉ xảy ra cục bộ như các năm trước mà kéo dài đến tận tháng 3.2017.
Tới đây các nhà máy phải đối phó như thế nào trước việc không còn cá sản xuất, thưa ông?
Trong toàn ngành, phải đưa ra cảnh báo sau tháng 10 trở đi các nhà máy cần có phương án như thế nào khi cá trong dân không còn. Các doanh nghiệp phải tự cân đối, bình tĩnh, không vội vàng bán giá thấp vì nguyên liệu cung không đủ cầu. Tôi cũng khẳng định, thị trường nước ngoài không dư cá tra vì năm 2015, do giá cá luôn giảm, tháng sau thấp hơn tháng trước, nên nhà nhập khẩu không dám trữ hàng. Tồn kho hầu như là không có, ngoại trừ thị trường Mỹ, nên bây giờ khách hàng phải tranh thủ mua vào, điều này cũng tạo sức ép ghê gớm cho nhà máy vì cứ ký xong hợp đồng là giá nguyên liệu lại tăng lên.
Vài ngày qua cũng có thông tin cho rằng giá cá tra không thể lên tới 25.000-27.000 đống/kg và cảnh báo người dân không nên đổ xô nuôi cá vì sẽ gặp rủi ro khi cung vượt cầu?…
Hiện, giá cá tra xuất khẩu tháng 4 đã tăng 30 cen/kg, tháng 5 tiếp tục tăng khi nguồn cung không còn đủ đáp ứng cho xuất khẩu. Còn về giá nguyên liệu, tôi cho rằng, lúc này chúng ta chưa thế đánh giá được vì từ tháng 10 trở đi nguồn cung không còn lớn trong doanh nghiệp và của người dân thì lúc đó thị trường sẽ quyết định giá bán ra và mua vào!
Giá giao dịch xuất khẩu cho các thị trường ở mức từ 2,5 USD/kg trở lên thì giá cá tra sẽ là 25.000-27.000 đồng/kg. So sánh với con cá minh thái đang bán ở mức 2,7 USD/kg thì cá tra có giá 2,5 USD/kg là bình thường.
Còn khả năng đầu tư ồ ạt vào nuôi cá tra trong dân như cảnh báo là không có vì thời điểm này dân lấy đâu ra vốn để mà đầu tư?. Ngoài ra, nếu nuôi cá thì tính rủi ro cao nên người dân sẽ phải chọn sự đảm bảo lợi nhuận không cao nhưng không có rủi ro như nuôi cá lóc. Những người còn tiếp tục nuôi cá tra phải có sự phối hợp và hỗ trợ từ các nhà máy.
Riêng với Hùng Vương, một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu, công ty đã chủ động nguyên liệu cho năm 2016 như thế nào?
Bản thân Hùng Vương mặc dù diện tích nuôi trồng có mở ra nhưng đến thời điểm hiện tại công ty cũng phải tự cân đối mua vào từ người nông dân và giảm ngày sản xuất và giảm sản lượng chế biến khoảng 30%. Hiện nay, lượng cá của công ty còn khoảng 120 ngàn tấn nguyên liệu nhưng cũng phải điều tiết không cho cá ăn để kéo giãn thời gian nuôi, đảm bảo có cá sản xuất đến tháng 2.2017. Và phải mua cá từ bên ngoài từ tháng 4 đến tháng 10, mỗi tháng khoảng 9.000 tấn.
Cũng có thông tin thương lái Trung Quốc trực tiếp mua cá tra tại các vùng nuôi có đúng không, thưa ông?
Đến thời điểm này có thể khẳng định, thông tin này là không có cơ sở. Nhà nhập khẩu Trung Quốc đang tăng lượng mua từ các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch. Con cá tra khác với con tôm, thương nhân Trung Quốc có thể mua tôm của người nuôi sau đó cấp đông vận chuyển về, còn cá tra phải qua chế biến nên bắt buộc nhà nhập khẩu phải mua qua doanh nghiệp. Còn sở dĩ Trung Quốc đang tăng nhập khẩu cá tra của Việt Nam vì cá tra được kiểm soát kháng sinh trong nuôi trồng và vi sinh trong chế biến rất tốt. Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao còn do diện tích nuôi trồng thủy sản của họ bị thu hẹp, và con cá tra bán tại Trung Quốc có chất lượng cao, giá rẻ so với cá nội địa.
Xin cảm ơn ông!
"Việc chủ động nguyên liệu của ngành cá tra phải phụ thuộc vào nguồn tài chính vay từ ngân hàng. Trong khi, thời gian qua, ngân hàng không mặn cho vay nuôi trồng, còn người dân và doanh nghiệp thì cũng không có vốn. Ngân hàng chỉ cho vay vốn lưu động, do đó, việc đầu tư phát triển nuôi trồng bị hạn chế. Hiện nay, chỉ có tỉnh An Giang có mô hình cho vay nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm, tuy nhiên, mô hình nà cũng mới chỉ đáp ứng được 5% vốn cho nhu cầu nuôi trồng 1,4 triệu tấn nguyên liệu."
Ông Dương Ngọc Minh
HVG dự kiến thu lãi 500 tỷ đồng mảng cá tra năm 2016
Tổng giám đốc công ty Hùng Vương (HVG) dự báo, năm 2016 doanh số về xuất khẩu cá tra của Hùng Vương sẽ tăng 30% so với 2015 do giá xuất khẩu và nguyên liệu tăng. Dự báo, lợi nhuận của riêng mảng cá tra trong năm 2016 đạt trên 500 tỷ đồng, chưa kể lợi nhuận mảng thức ăn và tôm. Dự kiến doanh số cả năm vào khoảng 24.000 tỷ đồng so với 9 tháng của 2015 là 14.000 tỷ.
Mặc dù năm 2016 HVG đang tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi và kho lạnh, nhưng nguồn vốn vay của tập đoàn sẽ giảm từ 2.000 tỷ cho đến 3.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, khả năng tài chánh của Hùng Vương ổn định để đảm bảo tiến độ đầu tư 2016 và những khoản đầu tư này sẽ phát huy lợi nhuận cao trong năm 2017.