Nhìn thấy tôi về, ba mừng lắm. Ông bảo tôi đi ôm rơm rồi chỉ tôi làm món cá lóc nướng trui. Khi chú cá lóc đã "nhắm mắt xuôi tay” bởi chiếc chày đâm tiêu bằng gỗ, ba dùng một thanh tre tươi đã vót sẵn thọc từ đầu cá cho đến đuôi cá. Sau đó ba đổ một ít nước vào miệng cá cho chảy xuống ruột. Dưới tác động của nhiệt nước trong bụng cá, nó sẽ sôi lên làm cho thịt cá được chín hoàn toàn vì con cá này có trọng lượng khá nặng nên lâu chín. Nếu không đổ nước vào, khi xé thịt bên trong ra, thịt sẽ còn máu và ăn không ngon. Cá lóc nướng trui bắt buộc phải nướng bằng rơm mới thơm ngon và không bị hoi khói. Khi đã xiên cá ở phần thanh tre dư ra đem ghim xuống đất cho thật chặt. Sau đó lấy thật nhiều rơm phủ kín chú cá lóc và bắt đầu mồi lửa nướng. Khi rơm đã gần tàn, cứ việc bỏ thêm rơm vào và nướng cho đến lúc mùi thơm xông lên mũi, vảy cá lóc cháy đen là lúc cá đã chín.
Khi cá lóc đã chín hẳn, ba dùng chiếc muỗng cạo lớp vảy đen cháy khét bên ngoài cho sạch và đặt lên chiếc đĩa hột xoài to. Ba kêu tôi dọn những thứ cần dùng lên bàn và đi hái rau sống. Vốn xung quanh nhà có trồng nhiều rau nên việc đi hái một rổ rau thật dễ dàng. Món cá lóc nướng trui thường ăn kèm với rau sống và một chén nước mắm làm, mắm nêm hoặc tương đen đã qua pha chế. Muốn ngon hơn thì mua thêm bún, giá sống, bánh tráng, rau hẹ… để cuốn. Cũng có thể không cuốn bánh tráng mà ăn đơn thuần với dưa leo bầm nhỏ, giá sống và đậu phộng giã nhuyễn cũng tuyệt vời. Nếu muốn phá cách, hãy lột bỏ sạch da cá lóc và thoa một lớp mỡ hành lên phần thịt rồi nướng lại bằng than cho thơm ngon hơn.
Trong cái lạnh se se mùa thu của miền Tây sông nước, cả nhà quây quần bên mâm cơm vừa dùng món cá lóc nướng trui, vừa đưa tay đập muỗi "bốp bốp” thật thích thú vô cùng.