Ảnh hưởng của dòng vốn FDI chưa được đánh giá đầy đủ
Ngày 25/7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế -xã hội. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái kiến nghị Chính phủ đánh giá tác động của dòng vốn FDI lĩnh vực nông nghiệp. Dòng vốn FDI đang thể hiện rõ ràng tác động hai mặt, trong đó, chúng ta chỉ thường nhắc đến tác động tích cực mà quên rằng những năm gần đây hàng triệu người dân ĐBSCL đang bị ảnh hưởng sinh kế một cách tiêu cực.
Ông Nguyễn Huy Thái đã nêu dẫn chứng cụ thể là 80% người nuôi tôm phải chịu thua thiệt khi mua vật tư ngành tôm theo phương thức trả chậm từ các doanh nghiệp FDI. ĐBQH Nguyễn Huy Thái cho rằng, thông thường giá trị kinh tế một chuỗi ngành hàng được phân chia một cách hợp lý cho tất cả các bên tham gia, nhưng trong nuôi tôm lại đang trong tình trạng rời rạc.
Khi giá nhập khẩu nguyên liệu tăng, các công ty, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ ngành tôm lập tức tăng giá trong khi người nuôi tôm không thể tự nâng giá tôm bán ra, bởi giá bán tôm phải tuân theo thị trường tại thời điểm thu hoạch.
Bên cạnh đó, có hơn 80% nông dân nuôi tôm ở Bạc Liêu phải chấp nhận mua vật tư ngành tôm theo phương thức mua trả chậm, vì không có đồng vốn mua theo phương thức trả tiền trước trong khi 70% giá thành nằm ở công đoạn này.
80% nông dân nuôi tôm phải chấp nhận mua vật tư ngành tôm theo phương thức mua trả chậm. Ảnh: Tepbac.
Người nuôi tôm gánh lấy trăm đường thua thiệt
Theo ĐBQH Nguyễn Huy Thái, nếu như thức ăn nuôi tôm và vật tư ngành tôm được đưa đến tận tay người nông dân, không thông qua đại lý thì giá thành nuôi tôm giảm được khoảng 20%. Và đi đôi với đó là làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và người nuôi tôm sẽ hưởng lợi cao hơn. Chuyện tưởng chừng rõ ràng những những năm nay vẫn quanh quẩn không tìm được lối thoát.
Theo cách hoàn toàn toàn bất hợp lý, đó là dù mua thức ăn nuôi tôm, thuốc hóa chất xử lý nhiều, người nông dân nuôi tôm vẫn phải chịu mức giá cao. Người nuôi dù biết bị o ép nhưng vẫn phải mua vì đang mua chịu thông qua đại lý, nếu không chấp nhận thì người người nuôi tôm không biết lấy đâu ra tiền và nguồn hàng để mua.
Nhắc đến câu chuyện vốn, nhà sản xuất không cho người nông dân mua thiếu, chịu chỉ chấp nhập thỏa thuận cùng đại lý. Trong khi đó, ngân hàng tuy sẵn sàng cho người nông dân vay vốn nuôi tôm nhưng kèm theo đó phải hội đủ những điều kiện cần thiết. Còn người nuôi tôm thì không có tiền, không có vốn liếng, tài sản để thế chấp.
Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn với dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang dần dần chiếm lĩnh thị trường vật tư ngành nuôi tôm. Các công ty nhỏ hơn rơi vào tình trạng mắc kẹt trong sản phẩm của chính họ với sản lượng ít, khả năng sinh lời thấp, dẫn đến một số doanh nghiệp ngành vật tư nuôi tôm bị phá sản.
Diễn biến thời thời tiết lại mỗi lúc càng bất lợi, những năm gần đây, người nuôi tôm trở nên chật vật, dù trúng tôm cách mấy, lợi nhuận cuối vụ cũng chẳng đáng là bao so với công sức đã bỏ ra.
Người nuôi đang là người thiệt thòi, lãnh đủ hệ lụy của những diễn biến bất trong chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ ngành tôm. ĐBQH Nguyễn Huy Thái kiến nghị Chính phủ cần đánh giá tác động của dòng vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp một cách toàn diện và sâu sắc để có giải pháp phù hợp nhất, đồng thời có những chính sách hợp lý hơn nữa để bảo vệ người nuôi tôm, cũng tìm cách để vừa thu hút đầu tư nước ngoài vừa bảo vệ doanh nghiệp trong nước.