Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) mới đây vừa có phản hồi lại thông tin được đăng tải trên Bloomberg Businessweek - một hãng tin lớn về tài chính và kinh doanh của Mỹ.
Theo đó, bài báo “Asian Seafood Raised on Pig Feces Approved for U.S.Consumers” đăng ngày 11/10/2012 của Bloomberg đã đề cập đến chất lượng tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ thông qua mô tả hoạt động sơ chế tôm tại một thời điểm không xác định của một doanh nghiệp xuất khẩu và thương mại nhỏ, hiện không còn xuất khẩu tôm sang Mỹ. Vasep cho rằng, thông tin này của Bloomberg là "quy chụp".
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Vasep đã gửi thư yêu cầu các tác giả bài báo đính chính nội dung bài viết và cung cấp những thông tin chính xác, khách quan về tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu và chất lượng các sản phẩm tôm Việt Nam hiện nay cho các tác giả cũng như cho hãng tin này.
Theo Vasep, tôm là sản phẩm xuất khẩu mang lại doanh thu cao nhất cho ngành thủy sản Việt Nam, thị trường xuất khẩu hiện đang bao gồm gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị thu về trên 2 tỷ USD mỗi năm. Riêng ngành chế biến tôm đang tạo ra hàng trăm nghìn việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người lao động.
Còn Mỹ đang đóng vai trò là thị trường tiêu thụ tôm của Việt Nam lớn thứ hai sau Nhật Bản với giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 500 triệu USD/năm, chiếm gần 1/4 tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Hàng năm, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm vào thị trường này đều được FDA Mỹ kiểm tra hàng từ 1 đến 2 lần và đều được đánh giá tốt.
Phía Vasep khẳng định, trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ đều có cơ sở, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn và áp dụng quy trình kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt từ khâu nguyên liệu đến chế biến, bảo quản và xuất khẩu. "Nhờ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như ưu thế về chất lượng so với sản phẩm tôm của các nước khác mà nhập khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua" - theo Vasep.
Do đó, Vasep cho rằng, qua bài viết của các tác giả, thông qua hiện tượng đơn lẻ, không phổ biến tại một công ty, con tôm Việt Nam bị đánh giá là bẩn, bị nhiễm khuẩn và được xuất khẩu khối lượng lớn cho người tiêu dùng Mỹ…"Như vậy, từ một hiện tượng nhỏ của một đơn vị nhỏ mà cả một ngành công nghiệp mang lại doanh thu 2 tỷ USD/năm cho đất nước lại bị quy chụp thành bản chất là có sản phẩm nhiễm bẩn".
Cũng theo tổ chức này, nếu với mục đích kích động bảo hộ, hạn chế nhập khẩu khi kinh tế Mỹ gặp khó khăn thì bài báo đang đi ngược với tinh thần thương mại tự do và công bằng.
Hệ quả là, có thể con tôm Việt Nam ít nhiều sẽ bị tác động và thị trường Mỹ sẽ hạn chế nhập khẩu tôm Việt Nam - rõ ràng sẽ có những khó khăn và ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều người lao động
Cũng trong ngày 11/10/2012, trang tin thủy sản nổi tiếng thế giới Ubcomtell.com đã có video clip ( Bloomberg hit piece on imported seafood misses huge improvements made in China, Vietnam) đưa ý kiến phản bác bài báo. Trong đó, John Sackton, người biên tập và phát hành Seafood.com News cho rằng bài báo mới chỉ dựa vào một doanh nghiệp và chưa có cái nhìn rộng hơn về chất lượng thủy sản của Việt Nam. Thực tế là chất lượng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã được cải thiện đáng kể.
Theo Hệ thống cảnh báo thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), số lô hàng thủy sản từ Việt Nam và Trung Quốc bị FDA từ chối thông quan trong quý III/2012 đã giảm tới 57% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó tổng số lô hàng bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian này chỉ giảm 11%.
John Sackton cho rằng bài báo này có thể sẽ gây hoang mang và hiểu lầm cho người tiêu dùng Mỹ về việc tôm nhập khẩu không an toàn. Và rõ ràng đây cũng là mong muốn của những người khai thác tôm nội địa Mỹ do lợi nhuận của họ bị tôm nhập khẩu đe dọa.