Với những lợi thế đó, Quảng Yên đã phát triển nuôi tôm, hàu, hà, ngán... và đặc biệt nuôi cua biển đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị riêng có của sản phẩm, nâng cao vị thế cho sản phẩm thuỷ sản của địa phương.
Trong khuôn khổ chương trình “Sở hữu trí tuệ” do Bộ KH-CN quản lý, Sở KH-CN Quảng Ninh đã cho phép triển khai dự án “Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cua biển Quảng Yên” cho sản phẩm cua biển của thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh”.
Theo dự án được phê duyệt, nội dung thực hiện bao gồm các công việc về thiết kế mẫu logo, nhãn mác, bao bì, tem sản phẩm Cua biển Quảng Yên, lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cua biển, thành lập Hội Sản xuất và kinh doanh cua biển Quảng Yên... và xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, cua biển thích hợp với môi trường nước mặn, vốn đầu tư không nhiều, dễ nuôi, không đòi hỏi kỹ thuật cao, ít bệnh mà lãi nhiều. Vì vậy, nhiều nông dân đã nuôi cua biển để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình này chẳng những tiết kiệm chi phí mua thức ăn (nhờ tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong ao nuôi như cá tạp, ốc, còng…), mà còn ít bị rủi ro trong quá trình nuôi.
Ông Nguyễn Văn Lộc ở xã Hà Nam, thị xã Quảng Yên cho biết, ở đây có rất nhiều người nuôi cua, vì nuôi ít vốn lại lời nhiều, có thể thả cua nuôi xen vào đầm tôm sú, tôm giảo để tăng thu nhập. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ cua cũng khá ổn định. Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, giá cua gạch là 650.000 - 750.000 đồng/kg. Điều này đã làm cho nông dân an tâm và tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình nuôi cua biển.
Ông Lộc cũng cho biết, mô hình nuôi cua biển trong khuôn khổ dự án xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cua biển Quảng Yên” hỗ trợ đã trang bị nhiều kiến thức bổ ích giúp người nuôi như phương pháp lựa chọn con giống tốt, cách chế biến và bổ sung thức ăn tự nhiên cho cua, phương pháp phát hiện và phòng trừ dịch bệnh… đã giúp các sản phẩm cua tạo ra có độ đồng đều cao, cua mau lớn, thịt chắc và hương vị thơm ngon, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.
Với hiệu quả kinh tế đem lại từ 200 - 250 triệu đồng/ha diện tích đầm nuôi, mô hình nuôi cua biển hi vọng sẽ được nhân rộng và phát triển tại Quảng Yên trong thời gian tới.